Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn - Cần phải đánh giá thận trọng, toàn diện
Đối với phần lớn người dân Việt Nam, khi dành dụm cả đời của mình để mua ngôi nhà thì thứ họ hướng đến không chỉ là nơi an cư mà còn xem đó là tài sản có giá trị để lại cho con, cháu. Cũng chính vì tâm lý nhà đất là của để dành nên trong suy nghĩ của nhiều người từ trước tới nay, bất động sản sẽ luôn được sở hữu lâu dài. Do vậy, trước đề xuất sở hữu có thời hạn chung cư thì nhiều người dân đều tỏ ra khá lo lắng và băn khoăn.
Nhiều người lo ngại với đề xuất này, người mua chung cư sẽ giống như người thuê dài hạn với loại hình căn hộ này. Mặt khác, tâm lý của người mua nhà có thể đẩy thị trường chung cư có nguy cơ rơi vào suy thoái, trong khi các sản phẩm đất nền, nhà ở liền kề tại tiếp tục tăng phi mã, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Tại cuộc họp ngày 17/3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cơ bản đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư khi hết hạn sử dụng hoặc chưa hết hạn nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ. Tuy nhiên cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định và có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc di dời, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư không còn an toàn cho người sử dụng.
Trước ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những băn khoăn của người dân về đề xuất chung cư có thời hạn, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ cũng đang nghiên cứu kỹ đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có định hướng không đặt vấn đề quy định sở hữu trong dự thảo, mà quy định các tình huống phá dỡ các yêu cầu đặt ra, trách nhiệm của các cơ quan để người dân an tâm mình không bị mất quyền sở hữu. Tuy nhiên, theo quy định Bộ Xây dựng cũng phải báo cáo lại Chính phủ để Chính phủ quyết định./.
Thực hiện: Tiến Dũng – Lê Hải – Chí Phương