Mặc dù cũng đã từng nhận được sự hưởng ứng từ phía người dân và được kì vọng như 1 giải pháp hiệu quả cho vận tải công cộng tại các tuyến trục hướng tâm. Thế nhưng buýt nhanh BRT, với nhiều đặc quyền, đặc lợi về hạ tầng, về phương thức vận hành lại hoạt động không như kỳ vọng trong nhiều năm qua.
Vì vậy, mỗi khi nhắc đến làn đường ưu tiên cho xe buýt, người dân lại nhớ đến BRT, nhớ đến những tuyến đường bị chiếm mất 1/3 để phục vụ cho những chuyến xe vắng khách.
Thế nhưng theo đơn vị trực tiếp đề xuất phương án 14 tuyến dành riêng cho xe buýt thì lại cho rằng, đây không phải là mô hình BRT, đơn giản nó chỉ là làn đường ưu tiên cho xe bus ở những đoạn tuyến nhất định đủ điều kiện triển khai.
Từ thực tế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, Hà Nội cần thận trọng khi muốn nhân rộng loại hình vận tải hành khách công cộng này. Bởi, đặc điểm đường phố của Hà Nội là hẹp, nhỏ, ngắn, gấp khúc nên rất khó triển khai làn đường dành riêng, phương tiện cá nhân nhiều, tổ chức giao thông trên hầu hết các tuyến phố hiện nay đều theo hình thức hỗn hợp, xe máy đi chung làn với ô tô, xe buýt.
Các chuyên gia cũng lo ngại, Hà Nội không thể giải quyết bài toán về giao thông và không thể có hiệu quả nếu cứ tiếp tục đầu tư xây dựng đường dành riêng cho xe buýt, đầu tư cho tuyến BRT đã mất hàng nghìn tỷ đồng, nếu đầu tư thêm 14 tuyến dành riêng cho xe buýt nữa thì sẽ tốn kém rất nhiều kinh phí.
Do đó, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ lương, có những phương án điều chỉnh linh hoạt, tránh đi vào vết xe đổ của BRT.
Thu Hương – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.