Video Tin trong nước

Đền Chu Hưng – Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc

Huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ là vùng đất có nhiều di tích văn hoá mang đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc, trong đó di tích có giá trị lớn về mặt nghệ thuật, lịch sử cũng như văn hóa là đền Chu Hưng, hay còn được biết đến với tên gọi Chu Hưng Linh Từ.

08:46 - 13/06/2024

Đền Chu Hưng – Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc

Tọa lạc trên một gò đất cao ở xã Ấm Hạ với một quần thể kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, ngôi đền là nơi thờ Côn Nhạc Đại Vương - bậc anh hùng hào kiệt có công đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi thời Hùng Vương. Ngược dòng thời gian tìm lại sử xưa theo cuốn “Chu Hưng ngọc phả thánh tích” Côn Nhạc Đại Vương là cháu của Hùng Nhuệ Vương. Khi lên ngôi, Hùng Nhuệ Vương cho phân chia sơn hà thành từng vùng, từng châu rồi giao cho anh em mỗi người cai quản một phương, trong đó Côn Nhạc Đại Vương được giao chính tổng chấn địa hạt Chu Hưng, ngài đã chiêu dân, lập ấp, khai phá điền hoang, sơn trại, làm cho dân ấp mỗi ngày một hưng thịnh. Đang thời thái bình bỗng trộm cướp nổi lên hoành hành, giặc Phương Bắc kéo quân sang xâm chiếm Văn Lang. Côn Nhạc được giao nhiệm vụ chỉ đạo đội quân theo đường bộ áp sát vùng Yên Bái, Lào Cai. Thắng trận trở về, Ông trở về tiếp tục cai quản địa hạt Chu Hưng, một thời gian sau ông mất, ngài thường về hiển linh che chở cho dân làng, để tưởng nhớ công ơn nhân dân đã lập đền thờ trên đỉnh Quy Sơn, một mạch đất điệp điệp, trùng trùng.

Không gian khu di tích gồm 3 tòa: Tòa chính là nơi thờ tự, bên phải là nhà trưng bày, bên trái là gian nhà khánh tiết. Kiến trúc của ngôi đền theo kiểu chồng rường kẻ bẩy, lợp ngói mũi hài, bên trên có long chầu lưỡng nguyệt.

Gian trong cùng của ngôi đền dựng một thượng cung thờ, trong cung thờ có pho tượng lớn ngài Côn Nhạc Đại Vương cao 1m28, đầu đội mũ, mình khoác long bào trùm rủ xuống chân, ở phần cổ áo được chấm nổi 18 chấm tròn. Yếm ngực chấm nổi hình đuôi rồng chầu vào mặt nguyệt, tượng được tạo tác có dáng hình cân đối, mắt nhìn nghiêng, miệng mỉm cười, dáng vẻ uy linh, nét mặt hiền từ, phúc hậu mà cương trực. Phía bên dưới hạ ban là ban thờ Quan ngũ hổ là vị chúa cai quản rừng núi, Tương truyền, Quan ngũ hổ mang quyền phép diệt trừ tà ma, trấn giữ các phương. Gian bên ngoài của ngôi đền là ban thờ công đồng, phía bên phải là ban thờ Quan Văn, bên trái là ban thờ quan võ, hai vị quan cai quản Đền.  Bước ra bên ngoài không gian chính của đền, đi dọc theo đường vòng cung là ban thờ thần linh, thổ địa. Trong khu di tích còn có ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đặt trang trọng trên nhang án cao 2m, chính giữa là tượng Chủ tịch Hồ Chính Minh, bên cạnh là ảnh thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trải qua các triều đại, Đền Chu Hưng nhận được 12 đạo sắc phong và vẫn còn lưu giữ lại được đến ngày nay. Trong đó có 4 sắc phong “Hựu thiện phù trực chi thần”, 5 sắc phong “Thượng đẳng thần”. Lễ hội Đền Chu Hưng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nếu có dịp ghé thăm mảnh đất Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ hãy vào thăm quan Đền Chu Hưng để cảm nhận rõ nét hơn về sự linh thiêng này./.

Thực hiện: Hữu Quảng  - Sỹ Thành - Thùy Linh