Video Tin trong nước

Di sản văn hóa Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước

Di sản có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, làm thế nào để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn các di sản? Đó là một câu hỏi đặt ra trước những thách thức mà di sản văn hóa và thiên nhiên đang phải đối mặt.
15:11 - 02/01/2020

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá Việt Nam nói chung và di sản văn hóa Hà Nội nói riêng đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô với bạn bè quốc tế.

Nằm ở Trung tâm Thủ đô Hà Nội, khu di sản văn hóa thế giới năm 2019 Hoàng thành Thăng Long được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn với nhiều điều cần khám phá của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh công tác bảo tồn di sản hiện có, trung tâm đã xây dựng nhiều tour giúp khách khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội thường niên các dịp lễ Tết.

Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên vào năm 1994 nhờ những giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo, sự đa dạng sinh học, văn hóa và lịch sử hiếm có. Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. Chia sẻ về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long, Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết cần phải có chiến lược khai thác và bảo tồn một cách bền vững, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan du lịch, nhưng vẫn giữ giá trị riêng có của Vịnh Hạ Long.

Năm 2019, tỉnh Ninh Bình đạt trên 7 triệu lượt khách trong nước, quốc tế. Đặc biệt, lượng khách đến với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An tăng mạnh. Du lịch đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn, không những làm gia tăng lợi ích kinh tế - tinh thần cho nhân dân, mà còn nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thêm động lực phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với một di sản văn hóa vật thể và tinh thần mang ý nghĩa văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới, di sản cố đô Huế đang được bảo tồn rất tốt, bởi những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà trực tiếp là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Sự phát triển của du lịch mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần trực tiếp cải thiện cuộc sống của người dân trong vùng di sản, và tăng trưởng ngân sách địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều di sản đang phải đối mặt với việc khai thác cho mục đích du lịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn các di sản; do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý trong thời gian tới.

Di sản văn hóa Việt Nam thời gian qua đã thực sự khẳng định được vị thế , vai trò trong đời sống xã hội, có sức lan tỏa mãnh liệt, nhưng đồng thời cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn, những tác động trực tiếp từ thiên nhiên, môi trường và con người. Chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là một công việc rất quan trọng và cần thiết cho công cuộc kiến thiết đất nước Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Mời quý vị xem các chương trình Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng trên Vietnam Journey tại đây./.