Video Tin trong nước

Đình Phúc Xá - Điểm đến văn hoá tâm linh

Trong tâm thức người Việt, "cây đa, bến nước, sân đình" vẫn vẹn nguyên hình ảnh gợi nên biết bao thân thuộc. Hãy cùng đến thăm đình Phúc Xá, điểm đến tâm linh của người dân, và cũng là mảnh đất đã sinh ra vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.
18:01 - 14/07/2024

Đình Phúc Xá - Điểm đến văn hoá tâm linh

Theo dòng lịch sử, vào năm 1132 - năm Thuận thiên thứ 5, vua Lý Thần Tông khi đi kinh lý dọc sông Hồng, thấy dân vất vả cực nhọc, nên đặt tên cho làng là Cơ Xá. Ðến năm 1911, làng Cơ Xá đổi tên thành Phúc Xá (nay thuộc phường Gia Thuỵ, quận Long Biên), với mong muốn được bình an, no ấm. 

Ðình Phúc Xá được xây dựng vào năm 1919. Năm 1930, dân làng xây đình và nhà bia, đến năm 1935 mới hoàn thành toàn bộ khu đình. Ðình làng thờ ba vị tướng có công bảo vệ đất nước thời Vua Hùng là Minh Khiết Ðại Vương, Bảo Trung Ðại Vương và Hiếu Công Ðại Vương.

Ngoài ba vị tướng trên, đình còn thờ Ðại nguyên soái Ðào tướng quân, là công thần của Trưng Nữ Vương từng đánh bại quân Mã Viện. Trong hậu cung đình còn thờ Hồng Nương công chúa và Hảo Nga công chúa, là những người có công trợ giúp thuyền lương của dân làng Phúc Xá khi theo vua Lý Thánh Tông vào châu Hoan - châu Ái ổn định phương nam.

Ðặc biệt, đình Phúc Xá thờ Thái úy Việt Quốc công Lý Thường Kiệt, anh hùng dân tộc và cũng là người con của làng Phúc Xá. Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn và mang họ Lý khi ông sung vào Đội thị vệ hầu bên cạnh vua Lý Thánh Tông.

Công lao trong chống giặc ngoại xâm của Thái uý Lý Thường Kiệt nổi bật nhất là trận “Như Nguyệt” trên sông Cầu. Cũng chính tại phòng tuyến này, để khích lệ tinh thần chiến sỹ đánh giặc, Lý Thường Kiệt đã xướng lên bài thơ thần "Nam Quốc Sơn hà", như một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta.

Đình Phúc Xá bị giặc Pháp phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp, mới được nhà nước đầu tư dựng lại khang trang vào đầu thế kỷ 21 gồm: cổng đình, sân, toà kiến trúc chính kết cấu chữ “đinh”... Tượng Lý Thường Kiệt làm bằng đồng đặt ở vị trí trang trọng ở đình. Đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật, hiện vật quý, đặc biệt là 2 quả chuông lớn, trong đó có chuông “An Xá tự chung” đúc năm 1647 và 1 quả chuông đúc năm 1690; 2 tấm bia dựng thời Nguyễn ghi việc trùng tu di tích; 8 đôi câu đối ca ngợi công tích của Lý Thường Kiệt; 7 đạo sắc phong niên đại thời Nguyễn... Tất cả đều được chạm khắc tinh xảo, mang giá trị nghệ thuật thế kỷ 18,19.

Đình Phúc Xá hiện là điểm du lịch tâm linh, là nơi sinh hoạt cộng đồng của dân làng, đồng thời cũng là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống cho các thế hệ của quận Long Biên nói riêng và Hà Nội nói chung. 

Hàng năm, lễ hội đình Phúc Xá được mở vào ngày 6-3 (âm lịch). Từ sáng sớm, Lễ rước nước từ sông Hồng về đình được tiến hành theo nghi thức cổ trang trọng. Ðối với Lý Thường Kiệt, nhân dân Phúc Xá giữ lệ hằng năm làm lễ tưởng niệm theo nghi thức quốc gia vào ngày 17-2 và lễ giỗ vào ngày 2-6 (âm lịch). Đình Phúc Xá được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.

Thực hiện: Cao Thắng – Ngọc Toàn