Doanh nghiệp sử dụng lao động là người Dân tộc thiểu số: Cần nhất là nâng cao năng lực
Khởi đầu từ con số không nên quá trình khởi nghiệp của người phụ nữ dân tộc Mường có tên là Nguyễn Thị Thu Hoa (CEO CTCP sản xuất và thương mại Trường Foods) đã gặp không ít sóng gió. Mặc dù thời gian qua Trường Foods đã từng bước phát triển, đồng thời tạo ra công ăn việc làm bền vững cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở phía Bắc. Song, trước bối cảnh thị trường hiện nay, Trường Foods lại đang phải đối mặt với những bài toán mới trong việc nâng cao năng lực và mở rộng thị trường.
Không chỉ Trường Foods, thực tế thời gian qua các tổ chức kinh doanh sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số được nhận khá nhiều những chính sách hỗ trợ về thuế, đào tạo, bảo hiểm...Có thể kể đến như: Quyết định số 42/2012/QĐ-Ttg, hay Thông tư 58/2017/TT-BTC. Ngoài ra, Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID-19 (Dự án ISEE-COVID)”, được phối hợp thực hiện bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), với sự tài trợ của Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) triển khai thực hiện cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này.
Tuy nhiên do công tác triển khai chính sách, hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức kinh doanh sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số còn nhiều rào cản nên làm thế nào để nâng cao năng lực cho tổ chức này vẫn là vấn đề được đặt ra cấp thiết.
Nâng cao năng lực cho khối doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số đang là một trong những hoạt động trọng tâm của dự án ISEE COVID. Trong thời gian sắp tới, đây sẽ được xem là một giải pháp trong bồi dưỡng nhân lực, đào tạo quản lý, hỗ trợ kinh phí giúp khối doanh nghiệp này có những đổi mới và phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào nền kinh tế./.
Thực hiện: Minh Quyên – Ngọc Toàn