Video Tin trong nước

Độc đáo lễ cưới của người Sán Chỉ

Mùa Xuân cũng là mùa của vạn vật sinh sôi, mùa của đôi lứa yêu nhau,... và người Sán Chỉ ở rẻo đất biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng tính chuyện dựng vợ, gả chồng cho con cái.
22:34 - 29/01/2023

Lễ cưới, hỏi của người Sán Chỉ cũng đủ các bước như dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu... vào những "ngày lành tháng tốt". Thông thường, đám cưới của người Sán Chỉ diễn ra trong 3 ngày với không khí vô cùng náo nhiệt bởi đây được xem là ngày vui chung của cả bản.

Hấp dẫn và được mong chờ nhất là lúc hát đối đáp để làm thủ tục "xin dâu". Đây là phần việc bắt buộc và việc "xin dâu" nhanh hay lâu phụ thuộc vào những người hát có kiến thức, đối đáp sâu sắc, hóm hỉnh với đại diện nhà gái. Vì vậy, nhà trai phải lựa chọn những người uy tín, ăn nói khéo léo, có duyên hát đối đáp.

+ Không sặc sỡ, lung linh nhiều họa tiết như các dân tộc khác, trang phục cưới truyền thống của người Sán Chỉ chủ đạo là tông màu trầm nhưng lại chứa đựng nét duyên thầm, chất phác, mộc mạc và đầy nội lực. Các cô gái khác mặc áo có màu xanh dương đặc trưng của người Sán Chỉ. Điểm nhấn trong trang phục của cô dâu là thắt lưng hoa với nhiều họa tiết thêu chỉ màu xanh, đỏ nổi bật, trên tay trái luôn cầm chiếc khăn mặt mới.

+ Sính lễ, đồ vật hay số lượng người đón dâu, đưa dâu của dân tộc Sán Chỉ đều là con số chẵn thể hiện cho sự đầy đủ, hài hòa và hạnh phúc. Đoàn đưa dâu nhà gái bao gồm: 2 phù dâu và 2 người bạn cô dâu cùng 4 người là những người thân bên nội bên ngoại.

+ Mùa xuân, khi những cánh đào phai bung nở khắp trên các cung đường biên giới Bình Liêu cũng là lúc những cô gái Sán Chỉ xúng xính váy áo truyền thống đi ăn cưới, chúc phúc cho đôi bạn trẻ; hát giao duyên, tìm bạn đời... Những câu hát Sóong Cọ dập dìu đã dung dưỡng, vun đắp tình yêu cho nhiều lứa đôi và cũng giúp các thế hệ trẻ người Sán Chỉ trân trọng hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn đời cha ông để lại./.

Thực hiện: Vũ Miền, 

PV Đài TNVN, thường trú khu vực Đông Bắc