Video Muôn màu cuộc sống

Đời sống mới cho tranh dân gian

Tranh dân gian vốn gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam, có vị trí quan trọng và là món ăn tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nhiều thế kỷ. Nhưng dấu ấn vàng son của tranh dân gian đang dần bị quên lãng ở xã hội hiện thời.
17:28 - 15/06/2023

Đời sống mới cho tranh dân gian

      “Đi đến tận cùng của truyền thống sẽ gặp hiện đại”, một ý tưởng sáng tạo mang đến góc nhìn mới mẻ cho những chất liệu, đề tài dân gian tưởng như đã quá quen thuộc. Nhóm họa sĩ Latoa Indochine đã tái tạo các mẫu tranh dân gian trên cơ sở kết hợp kỹ thuật tranh sơn mài với tranh sơn khắc. Sáng tạo này tôn vinh nét đẹp của tranh dân gian, giúp chúng trở nên sang trọng và phù hợp nhu cầu cuộc sống hơn. Vẫn là đề tài tranh dân gian Hàng Trống - Đông Hồ - Kim Hoàng nhưng không phải được vẽ trên giấy dó, giấy điệp, giấy xuyến chỉ mà đã được làm mới trên chất liệu sơn mài khắc truyền thống của Việt Nam.

      Tranh sơn mài là những nguyên tắc ngược: muốn lớp sơn vừa vẽ nhanh khô, tranh phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình. Tranh sơn mài ra đời ở nước ta khoảng vào những năm 1930, cái hay của sơn mài chính là tính ngẫu nhiên. Bởi tác phẩm như một tấm màn bí ẩn, đợi đến khi mài xong, đánh bóng mới dần hiện hữu.  

      Tranh sơn khắc là loại hình nghệ thuật một thời huy hoàng của hội họa Việt Nam. Thời điểm năm 1945 đến 1995 là lúc dòng tranh này phát triển mạnh nhất. Trải qua những thăng trầm và biến động, sơn khắc Việt đã dần bị lãng quên.  Sơn khắc là nghệ thuật của đồ họa, sự hoàn thiện của bức tranh phụ thuộc vào những nét chạm khắc và những mảng hình tinh tế, giàu cảm xúc.

      Tranh dân gian hay tranh sơn mài, tranh sơn khắc đều không xa lạ với người dân Việt, đặc biệt là người yêu mỹ thuật. Với mong muốn những tác phẩm xưa cũ được mọi người đón nhận, nâng niu, trân trọng hơn, Latoa Indochine đã nghiên cứu và đưa nét vẽ xưa vào chất liệu sơn mài khắc, sự kết hợp sáng tạo và độc đáo của hai phương pháp làm tranh lâu đời, vừa cũ vừa mới là sơn mài và sơn khắc.

      Sau khi đã gia công vóc (cốt gỗ để làm sản phẩm sơn mài, sơn khắc), các nghệ sĩ sẽ khắc tranh trên vóc. Mẫu tranh được dán lên vóc, họa sĩ sẽ khoét đi những phần vốn để in hay tô mầu, chỉ để lại phần nét đen, tương tự như khi người ta khắc ván in tranh. Tuy nhiên, thay vì “hạ nền” toàn bộ như khắc ván in tranh, các họa sĩ chỉ “hạ nền” phần nhân vật, họa tiết và một đường viền mảnh quanh nhân vật. Tiếp theo, nghệ sĩ lên màu sơn mài, thếp vàng, thếp bạc, mỗi màu là một lớp, sau mỗi lớp là một lần mài. Toàn bộ công đoạn cho một tác phẩm phải lên tới 15-20 bước và mất khoảng 3 tháng mới hoàn thiện.

      Dầu bóng được dùng trong pha mầu để vẽ nên độ bóng chìm trong cốt mầu tạo thành độ sâu thẳm của tranh. Những tác phẩm sơn mài khắc này được các hoạ sĩ sử dụng 5 màu truyền thống (hoàng - vàng, xích - đỏ, hắc - đen, thanh - xanh, bạch - trắng) tương ứng với ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Điều đặc biệt ở sơn mài khắc là mỗi bức vẽ dù có thể giống về nét nhưng khi bức tranh hoàn thiện, luôn là một bức vẽ độc bản.

      Các bức tranh sơn mài khắc với đề tài tranh dân gian được giữ nguyên nét, hồn cốt nhưng tạo được những sắc thái mới bằng các kỹ thuật chạm khắc dát vàng, dát bạc.

      Thay cho cái rực rỡ của tranh Hàng Trống nguyên bản, khi đi vào sơn mài, các gam mầu trở nên trầm hơn. Sau nhiều lần sơn, mài thì hiệu ứng màu sắc luôn thay đổi, tạo nên nét riêng có. Vì thế, những bức sơn mài khắc vừa giữ được hồn cốt của tranh dân gian vừa có vẻ đẹp khám phá của hiện đại.

      Triển lãm “Con đường” được Bảo tàng Hà Nội phối hợp với LaToa Indochine mở cửa đón công chúng đến thưởng lãm cách đây chưa lâu. Gần 100 bức tranh thể hiện những đề tài quen thuộc trong tranh dân gian hay những đề tài chuyển thể, lấy cảm hứng từ danh nhân, tác phẩm văn học, Phật giáo trưng bày tại triển lãm đã thực sự thu hút sự quan tâm của mọi người. Khách thưởng lãm được gặp lại những nét thân thuộc, gần gũi của bao dáng hình xưa trong các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng với nguồn sinh khí mới.

      Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, bảo tồn và sáng tạo là một yêu cầu cấp bách. Latoa là dự án chấn hưng nghề thủ công truyền thống của dân tộc, với mục tiêu của là phục hồi hồn cốt, sự tinh túy trong cách biểu đạt, linh khí và tinh thần dân tộc từ xa xưa đến nay mà không quên kết hợp hài hòa các dòng chảy văn hóa để tạo nên những dòng sản phẩm truyền thống nhưng mang nét đẹp hiện đại. Đây không chỉ là kế thừa vẻ đẹp truyền thống, mà còn đan xen nét đẹp hiện đại đơn giản, thanh lịch. Sự kết hợp của tranh dân gian, sơn mài, sơn khắc cùng lối kể chuyện dân gian nên dễ dàng hòa vào tổng thể của sự kết hợp khéo léo giữa hiện đại và truyền thống.

      Vẫn là những đề tài quen thuộc trong tranh dân gian; vẫn là cách thể hiện của kỹ thuật sơn mài, sơn khắc truyền thống… nhưng những tác phẩm sơn mài khắc mang sắc thái mới, mở ra một hướng đi mới cho tranh truyền thống Việt mang hơi thở của đương đại./.

Thực hiện: Hải Hà – Hoàng Thuyên