Du lịch cộng đồng - Hướng phát triển bền vững tại Thái Nguyên
Như bao bà con khác trong vùng, trước đây, công việc chủ yếu của chị Hạnh là làm chè, thời gian rảnh rỗi thì buôn bán thêm.
Năm 2021, chị Hạnh được nhận vào làm việc tại La Bằng Homstay, ở xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ.
Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, giờ chị đã thành thạo các công việc, từ dọn buồng phòng, đón tiếp khách và cho tới việc giới thiệu cho khách những nét đặc sắc của vùng đất này.
Hiện nay, trên toàn xã La Bằng có 4 cơ sở homestay. Ngoài 8-10 lao động chính thức, vào dịp cuối tuần, các cơ sở này còn thuê thêm hàng chục lao động bán thời gian khác. Đặc biệt, việc phát triển du lịch cộng đồng đã huy động được sự tham gia của nhiều hộ cá nhân, gia đình khác trong xóm. Các sản phảm du lịch cũng được xây dựng trên cơ sở khai thác thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên như đồi chè, hệ thống suối, thác nước dọc sườn Đông dãy Tam Đảo...
Từ thực tế cho thấy, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thời gian qua đã có sức lan tỏa, tạo được sức hút với chính người dân địa phương tham gia làm du lịch. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 2 mô hình du lịch cộng đồng, thì từ năm 2018 đến nay, Thái Nguyên đã có trên 30 mô hình du lịch cộng đồng do các hợp tác xã, hộ gia đình làm chủ, trong đó, có 6 điểm được tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngành văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên cũng đang tích cực triển khai việc thành lập các tổ, đội văn nghệ dân gian; truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các khu du lịch trọng điểm, điểm du lịch cộng đồng để phục vụ khách du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của từng địa phương, điểm đến./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng