Video Tin trong nước

Du lịch thiền định chữa lành: xu hướng mới, trải nghiệm mới

Năm 2022, doanh thu mảng du lịch chữa lành đạt 919 tỷ USD tương đương với 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới, 55% sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ trị liệu về tâm lý... Mô hình du lịch chữa lành đang thực sự phát triển và trở thành xu thế.
20:52 - 22/09/2024

DU LỊCH THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH: XU HƯỚNG MỚI, TRẢI NGHIỆM MỚI

Trong bối cảnh xã hội hiện đại đầy căng thẳng và áp lực, du lịch chữa lành không chỉ là một trào lưu tạm thời mà đang dần trở thành một phân khúc phát triển mạnh mẽ. Một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của du lịch chữa lành là sau đại dịch COVID-19, người ta càng nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe tinh thần. 

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, loại hình này đã được chú trọng phát triển với sự ra đời của nhiều mô hình sáng tạo, như các tour du lịch kết hợp thiền định, yoga tại Ấn Độ; tour thiền định giữa rừng ở đảo Jeju (Hàn Quốc); các chuyến đi với liệu pháp chữa lành bằng âm nhạc, hội họa, chăm sóc động vật... ở một số nước phương Tây. Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đa dạng, cùng số lượng chùa, thiền viện đồ sộ, nền y học cổ truyền nổi tiếng... nhiều đơn vị du lịch Việt Nam đã có kế hoạch để tận dụng lợi thế đó phát triển du lịch chữa lành.

Theo các chuyên gia, du lịch chữa lành ở Việt Nam phần lớn các sản phẩm mới chỉ quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe mà chưa chuyên sâu về các hoạt động chăm sóc phần tâm. Vì thế, để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch rất giàu tiềm năng này, các cơ quan quản lý về du lịch cần có nghiên cứu chi tiết về đặc điểm loại hình và thị trường của du lịch thiền định chữa lành, đưa ra những hướng dẫn cụ thể, thiết kế những tour chữa lành mang tính chuẩn mực, công bố các tiêu chí cần đáp ứng của đội ngũ chuyên gia chữa lành... làm căn cứ để các công ty, điểm đến xây dựng và mở rộng phát triển sản phẩm./.

Thực hiện: Vân Anh – Quốc Hùng