Có thể coi năm 2020 là một năm khó khăn cho ngành du lịch. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế. Du lịch thất thu khoảng 19 tỷ USD do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% (so với năm 2019), lượng khách trong nước cũng giảm gần 35%… Song các đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 cũng là "thời gian nghỉ cần thiết" để ngành du lịch nhìn lại những hạn chế, tìm cơ hội trong thách thức và có các giải pháp phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam có được đà và nền tảng tăng trưởng ngoạn mục 5 năm liên tục. Tháng 1/2020, lần đầu Việt Nam đón được hai triệu khách quốc tế trong một tháng. Thế nhưng, từ tháng 2/2020, dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó. Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước. Nhưng thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Dù dịch Covid-19 nhanh chóng được khống chế, Việt Nam trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề.
Đại dịch Covid-19 diễn ra một cách bất ngờ đã gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Các công ty du lịch trong năm nay đã phải cắt giảm nhân sự từ 50-80% thậm chí có những công ty phải đóng cửa hoàn toàn và rút giấy phép lữ hành, đặc biệt là các công ty inbought đưa khách nước ngoài vào VN và khách outbought đưa khách VN ra nước ngoài. Bên cạnh đó một số công ty nội địa thì vẫn hoạt động nhen nhóm nhưng số lượng khách giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra cho ngành du lịch thì có thể dễ dàng nhận thấy, nhưng nhìn ở góc độ tích cực hơn thì dịch Covid -19 cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp du lịch cơ cấu lại bộ máy nhân sự, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các hoạt động quảng bá, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường nguồn khách…Đồng thời dịch Covid-19 cũng làm cho ngành du lịch Việt Nam phải đánh giá lại, tư duy lại cách làm du lịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp.
Ngày trước ngay tại Vietfoot chúng tôi việc phát triển công nghệ số là chưa chú trọng lắm, tuy nhiên giờ đây xu hướng khách tiêu dùng người ta phải hạn chế giao tiếp xã hội và chính vì vậy mà đôi khi người ta chỉ cần ngồi ở trong nhà 4 bức tường thôi người ta chỉ cần 1 click là người ta có thể đặt được tất cả dịch vụ tour và chính vì vậy chúng tôi phát triển toàn bộ cái mảng kinh doanh 4.0, chúng tôi đã đưa kinh doanh mạng vào và đưa các chương trình, video clip quảng bá sản phẩm và chúng tôi dùng các công nghệ để quảng bá các sản phẩm của chúng tôi vào sâu tới tay từng người tiêu dùng.
Kết thúc năm 2020, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thời điểm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trên toàn cầu vẫn đang bỏ ngỏ. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đang là điểm sáng trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đây là tiền đề quan trọng để ngành du lịch trong nước dần phục hồi trong năm 2021 và chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát./.