Các báo cáo đều nhấn mạnh mục đích sửa đổi Luật là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ta, được ban hành trong thời gian gần đây, về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn phát sinh một số vấn đề mới mà Luật chưa quy định.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định phù hợp để bảo đảm bình đẳng giới thực chất về quyền, lợi ích của lao động về tiếp cận thông tin.
Về thời hạn Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ủy ban thấy rằng, việc thay đổi thời hạn sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ về quy định này.
Để bảo đảm thuận lợi trong việc triển khai Luật trên thực tế cần tập trung giao trách nhiệm cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giảm các nội dung giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành./.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.