Video Tin trong nước

Dừng phân bổ vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau 31/3

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về việc xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2).
19:58 - 14/02/2023

Tiếp tục chương trình tại phiên họp thứ 20, sáng ngày 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV; Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội và xem xét dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký. Trước đó, trong phiên làm việc ngày hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về việc xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2). Nhiều ý kiến cho rằng, số vốn còn lại chưa đủ thủ tục đầu tư là khá lớn, do vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư và sau ngày 31/3, sẽ dừng phân bổ vốn từ Chương trình này.

Trong số vốn còn lại chưa đủ thủ tục đầu tư, khoảng hơn 14.150 tỷ đồng, lĩnh vực y tế chiếm tỷ lệ lớn nhất với: 33/40 dự án, chiếm tỷ lệ 82,5%. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi số vốn còn lại khá nhiều, khó có thể giải ngân hết trong năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần rà soát lại các nhiệm vụ, dự án cho đúng tiêu chí đã được Quốc hội quyết định. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tính toán về cơ cấu vốn để điều hoà cho phù hợp, linh hoạt với thực tiễn khách quan, vừa đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc giao vốn Chương trình Phục hồi chậm có 3 nguyên nhân chính. Bên cạnh phải thực hiện kỹ lưỡng theo đúng quy định Nghị quyết 43 về nguyên tắc, tiêu chí, vừa đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Đầu tư công, còn có nguyên nhân do đề xuất của bộ ngành, địa phương không sát thực tế.

Về số vốn các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay các dự án đã được phân cấp cho địa phương và chuyển vốn đã giao Bộ giao thông cho các địa phương. Như vậy sẽ giảm vốn của Bộ Giao thông vận tải và tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Riêng trong năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung giải ngân hết nguồn vốn Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Còn các nguồn vốn của địa phương và các nguồn vốn khác sẽ thực hiện ở năm 2024 và năm 2025./.

Thực hiện: Huy Vinh – Chí Phương