Video Tin trong nước

Gắn làng nghề với phát triển du lịch cộng đồng

Miệt rừng tràm U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau bao gồm các huyện U Minh và Trần Văn Thời có điều kiện tự nhiên tốt để cá bổi phát triển. Đó cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chủ yếu để làm ra “đặc sản khô bổi U Minh”, đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ thương hiệu.
14:32 - 16/12/2021

Một trong những cơ sở sản xuất cá khô bổi quy mô và có thương hiệu tại huyện Trần Thời chính là cơ sở Ba Đức. Hơn chục năm gắn bó với nghề, hiện nay, sản phẩm cá khô bổi của cơ sở đã có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng sản phẩm.

Cà Mau có hàng chục làng nghề truyền thống mang đặc trưng riêng của vùng đất, con người nơi cuối trời Tổ Quốc. Có thể kể đến nghề gác kèo ong, nghề muối bá khía, nghề làm cá khô khoai, khô bổi, dệt chiếu.... 

Phát huy thế mạnh địa phương, phát triển du lịch với những điểm đến hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao, thời gian qua, Cà Mau đã xây dựng sản phẩm, loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng Cà Mau đạt thương hiệu quốc gia. 

Theo đó, dù mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây nhưng bước đầu góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa Cà Mau. 

Nghề truyền thống và dịch vụ du lịch làng nghề là các hoạt động kinh tế gắn bó chặt chẽ với nhau, dung dưỡng lẫn nhau. Làng nghề mang lại sự độc đáo và hấp dẫn cho dịch vụ du lịch, trong khi nguồn lợi từ du lịch giúp duy trì làng nghề. 

Tỉnh Cà Mau xác định phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của vùng miền. Vì thế, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp để loại hình du lịch này thời gian tới sẽ phát triển hiệu quả hơn.

Bảo Lê - Ngọc Hòa

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.