Video Muôn màu cuộc sống

Gốm “độc bản” - Từ tình yêu đến đam mê sáng tạo

Gốm độc bản mang tính nghệ thuật và giá trị kinh tế cao được tạo ra từ tình yêu, sự đam mê, sáng tạo... tỉ mỉ đến tinh tế của những con người yêu nghệ thuật gốm cổ và coi đó là lẽ sống của mình.
14:56 - 16/05/2023

Gốm “độc bản” - Từ tình yêu đến đam mê sáng tạo

Để tạo ra một sản phẩm gốm bao gồm rất nhiều công đoạn. Và sản phẩm gốm độc bản này được tạo ra bởi 3 mảnh ghép khác biệt. Họ được tình yêu gốm “ghép lại” với nhau để tạo ra những sản phẩm có “một không hai”.

Chị Đoàn Thanh Hải – thường được biết đến với tên Hải Đoàn, anh Nguyễn Công Trường và họa sĩ Khánh Hương là những “người trẻ” gắn bó với gốm nhiều năm nay. 3 người họ mỗi người một thế mạnh đang kết hợp hỗ trợ lẫn nhau trong các sản phẩm của riêng mình. Họ tối ưu phần mạnh của mỗi người để tạo nên sản phẩm gốm “độc bản” tinh xảo. Dù mỗi người đều đã có thương hiệu gốm riêng nhưng họ vẫn kết hợp với nhau đều yêu giá trị thủ công, đều yêu sự sáng tạo, đột phá, không sợ thử nghiệm, thất bại để tạo nên những tác phẩm gốm thủ công độc bản. Các tác phẩm gốm độc bản của họ đều được làm bằng tay, một nét nghệ thuật đặc sắc trong quá trình sản xuất ra các sản phẩm gốm.

Như những mảnh ghép đa sắc để tạo nên một sản phẩm gốm hoàn hảo,trong 3 người, chị Hải Đoàn là người duy nhất chưa từng liên quan đến gốm. Xuất phát điểm là người sưu tầm tranh, yêu thích nghệ thuật đặc biệt những gì liên quan đến nghệ thuật truyền thống. Duyên đến với gốm xuất hiện khi chị tình cờ được tiếp xúc với các sản phẩm gốm thủ công của một nghệ trong làng gốm Bát Tràng. Từ đó chị tìm hiểu sâu về gốm và gắn bó với gốm đến tận bây giờ. Các sản phẩm gốm độc bản mang dấu ấn riêng của chị hiện được nhiều người yêu mến gốm thủ công biết đến.

Với các sản phẩm gốm dưới thương hiệu của riêng mình, chị Hải Đoàn đóng vai trò là người sáng tạo mẫu và kiểm soát đường nét, tỉ lệ, chi tiết sản phẩm cũng như xử lý chất bề mặt và pha trộn men mầu cho sản phẩm. Gốm “độc bản” của chị Hải được mọi người yêu thích bởi sự sáng tạo ra các màu men lạ, kỹ thuật cao, cũng như những kiểu dáng lạ và khó vuốt. Dựa trên màu men gốc kết hợp với nhiều chất liệu độc, lạ xuất hiện trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày – nhưng không phải ai nghĩ tới, chị Hải Đoàn pha chế ra những màu men mới. Như sản phẩm chiếc khuyên này, kiểu dáng có tính ứng dụng cao, bên cạnh men nền thì chị phủ thêm chiếc váy lung linh cho chiếc khuyên bằng men nạm đá. Từng viên đá nhỏ được gắn lên, sau đó được đem nung lên, và cuối cùng chị phải dùng đá mài để mài nhẵn bề mặt của đá sao cho tăng độ sáng bóng cũng như an toàn cho người sử dụng. Các công đoạn đều được làm thủ công bằng tay, nên có những sản phẩm nhiều lớp lang men màu phải mất hàng tuần mới xong được 1 sản phẩm. 

Nếu như chị Hải Đoàn là người ngoại đạo thì anh Nguyễn Công Trường lại là một người được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống, một người theo nghề cha truyền con nối của làng nghề. Dựa trên những kinh nghiệm làm gốm truyền thống từ ông cha và kết hợp với những kỹ thuật mới, anh Trường được đánh giá là người có tay nghề cao, và là người có tiếng trong làng nghề về tạo ra màu men gốc. Các men đặc trưng của anh Trường có thể kể đến men tấm xanh, men rạn. Có thể nói anh Trường là mảnh ghép thứ 2 để tạo ra những sản phẩm gốm “độc bản”

Khi kết hợp với chị Hải Đoàn, anh Trường đóng vai trò là người vuốt tạo dáng, vuốt gốm và quan trọng nhất anh Trường là người chế tạo xử lý men gốc – dựa vào màu men gốc chuẩn, sẽ pha màu để tạo màu cho sản phẩm. Cá tính mạnh, không thích những sản phẩm dập khuôn, thích thử thách, thử nghiệm cái mới, họ sẵn sàng chấp nhận thất bại để thu lại những bài học kinh nghiệm cho bản thân mình để từ đó ra lò được những sản phẩm độc bản chất lượng cao.

Người thứ 3 – mảnh ghép cuối cùng tạo nên sản phẩm gốm sứ “độc bản” tinh tế là họa sĩ Khánh Hương -  người có vai trò quan trọng trong nhóm tạo ra sản phẩm gốm hội họa. Họa sĩ Khánh Hương sẽ là người thể hiện ý tưởng hội họa của anh Trường hay chị Hải Đoàn lên các phơi gốm. Chị tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Truyền thống ngành sơn mài của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Với tình yêu gốm và tranh, họa sĩ Khánh Hương đã nỗ lực không ngừng gần 10 năm qua để tìm tòi, thử nghiệm và phát triển mảng gốm vẽ với rất nhiều chất liệu từ arcrylic, sơn mài truyền thống đến vẽ hiện đại dưới men. Các tác phẩm của chị gây ấn tượng mạnh mẽ với người yêu gốm bởi sự độc đáo không giống bất cứ sản phẩm nào khác trên thị trường với kỹ thuật điêu luyện, khả năng sáng tạo khi thiết kế các mẫu vẽ cũng như sự tài tình khi kết nối giữa truyền thống và hiện đại qua các chất liệu.   

Gốm hội họa là cách thể hiện khá mạo hiểm vì việc vẽ lên một chiếc bình đã rất kỳ công, nếu làm men không thành công thì thiệt hại không chỉ là sản phẩm mà còn cả công sức vẽ. Rõ nét nhất là 2 dòng: vẽ màu dưới men rạn và vẽ màu dưới men sần. Khó nên khi sản phẩm thành công thì giá trị tinh và kinh tế của gốm hội họa được nâng lên nhiều lần, nó trở thành một sản phẩm nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ là sản phẩm tiêu dùng

3 người 3 mảnh ghép, từ tình yêu đến đam mê sáng tạo, họ đã cùng nhau tạo ra các tác phẩm gốm “độc bản” khác biệt.

 Sau 5 năm làm gốm, học hỏi từ họa sĩ Khánh Hương nên chị Hải Đoàn luôn ấp ủ có 1 studio gốm của riêng mình. Chị Hải Đoàn hy vọng studio sẽ thu hút được sự quan tâm của các họa sỹ chuyên nghiệp, đặc biệt là sinh viên của các trường mỹ thuật, để kết nối được gốm và hội họa.

Họa sỹ Vũ Tuyết Mai là giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, vì tình yêu với gốm nên họa sỹ Vũ Tuyết Mai đã nhiều lần tự thiết kế các sản phẩm gốm ứng dùng hàng ngày. Không chỉ dừng lại ở việc thiết kế, họa sĩ Tuyết Mai bắt đầu thử nghiệm hội họa trên chất liệu gốm.

Bên cạnh đó, đây sẽ là sân chơi cho mọi người biết đến gốm Việt nhiều hơn thông qua các hoạt động trải nghiệm như vuốt gốm vào mỗi dịp cuối tuần dành cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.

Mỗi sản phẩm gốm đều không theo khuôn mẫu, phần lớn là ngẫu hứng sáng tạo. Vì được làm hoàn toàn bằng tay, nên mỗi chiếc bình đều có một vẻ đẹp riêng biệt. Những sản phẩm gốm thủ công vuốt tay luôn đựng nhiều tâm tư tình cảm của người làm ra nó, vì thế phải có duyên, phải trân quý sự tinh tế mới có thể cảm nhận được từng độ nặng, đường nét, màu sắc mà đôi tay ấy mang lại. Là người yêu hoa và đặc biệt yêu gốm sứ Việt Nam, ca sĩ Phạm Thu Hà - “họa mi bán cổ điển” tìm thấy sự đồng điệu về tâm hồn qua những sản phẩm gốm của chị Hải Đoàn. Ca sĩ Phạm Thu Hà nhìn thấy được tình yêu nghề, sự đầu tư chau chuốt, yêu cầu cao trong từng sản phẩm gốm. Ca sĩ Phạm Thu Hà ví sản phẩm gốm của Hải Đoàn giống với con đường âm nhạc mà chị đang theo đuổi, khán giả không dễ nghe nhưng một khi đã đam mê là sẽ say đắm.

Anh Ngọc Nghĩa, Chị Thùy Dung là người yêu thủy tiên và chị luôntìm kiếm sản phẩm gốm chuyên biệt để có thể trưng bày và phô diễn được vẻ đẹp tinh tế của hoa thủy tiên. Và khi tìm được sản phẩm gốm độc bản Mặt hồ của chị Hải  thì chị Thùy Dung biết rằng thủy tiên và Mặt hồ là dành cho nhau. Mặt hồ của Hải Đoàn đã khai thác những điểm mạnh và tìm cách khắc phục những điểm yếu của thủy tiên.

3 mảnh ghép 3 con người là chị Hải Đoàn, anh Nguyễn Công Trường, họa sỹ Khánh Hương đang hàng ngày hàng giờ âm thầm làm công việc của mình. Bằng tình yêu, sự đam mê họ đã cho ra lò các sản phẩm gốm “Độc bản” có giá trị nghệ thuật. Những sản phẩm chất lượng cao của họ đã âm thâm nâng cao giá trị của gốm Việt, từng bước đưa thương hiệu Gốm Việt vươn xa. Họ đang hàng ngày lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của gốm độc bản một cách lặng lẽ và bền bỉ.  

Thực hiện: Lan Anh – Trọng Đại – Ngọc Toàn – Đức Thành