Video Tin trong nước

Hà Nội: Cảnh giác với dịch bệnh tay chân miệng

Dịch tay chân miệng ở Hà Nội đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đã xuất hiện ổ tại trường mầm non. Với tính chất dễ lây lan, có nhiều biến chứng nguy hiểm và hiện chưa có vaccine phòng bệnh, Hà Nội đang đề cao cảnh giác với căn bệnh này.
20:32 - 19/10/2023

Hà Nội: Cảnh giác với dịch bệnh tay chân miệng

Xịt khuẩn tay, soi họng và kiểm tra thân nhiệt ngay từ cửa lớp.

Tăng cường vệ sinh lớp học.

Lau chùi đồ chơi, đồ dùng của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn…

Đây chỉ là một số ít trong số những biện pháp mà cơ sở giáo dục mầm non này áp dụng khi dịch bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng tại Hà Nội.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện Thủ đô đã ghi nhận các ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non. Số ca mắc trong tuần đầu tiên của tháng 10 tăng gần gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8, đưa tổng số ca tay chân miệng từ đầu năm 2023 cho đến nay là 2.063 ca (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022). Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, số ca tay chân miệng đến thăm khám và điều trị tăng cao hơn hẳn so với trước và đã ghi nhận những trường hợp biến chứng do tay chân miệng.

Để phòng bệnh tay chân miệng tiếp tục lan nhanh, ngành y tế khuyến cáo các trường học, nhất là các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện tay chân miệng. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh… 

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, quan trọng nhất là phải phát hiện sớm các biến chứng, thường hay xảy ra vào ngày thứ hai đến ngày thứ năm kể từ khi khởi bệnh. Tuy nhiên biến chứng cũng có thể xảy ra ngoài khoảng thời gian này, yêu cầu cha mẹ và người thân của trẻ phải theo dõi thường xuyên, sát sao khi trẻ mắc tay chân miệng.

Thực hiện: Lê Liên – Chí Phương