Hạn chế các phương thức xét tuyển sớm, thí sinh nên chuẩn bị gì?
Theo thống kê của Bộ GDĐT, các trường hiện đang sử dụng 20 cách xét tuyển sớm, mở ra nhiều cơ hội cho các trường, khi tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng lo ngại về việc xét tuyển sớm với nhiều phương thức, khiến điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của những thí sinh dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển ĐH.
Dù bộc lộ một số hạn chế nhưng theo các chuyên gia, không thể cực đoan thực hiện bỏ phương thức xét tuyển sớm bởi phương thức này giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp với đặc điểm ngành nghề đào tạo của mình. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để bảo đảm sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển, đảm bảo chất lượng đầu vào.
Nhân dịp năm học mới 2024-2025, Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các đại học, học viện, trường đại học và trường cao đẳng sư phạm trên cả nước về các nhiệm vụ của năm học. Trong đó, một trong những nhiệm vụ được nhấn mạnh là công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông…
Việc sớm nghiên cứu, công bố phương án tuyển sinh ngay từ đầu năm học 2024-2025 là điều cần thiết. Tuy nhiên, các trường cần xây dựng, thực hiện phân tích dữ liệu để đánh giá mối tương quan giữa tuyển sinh đầu vào với kết quả học tập của các em ở từng phương thức tuyển sinh và công bố công khai các đánh giá này để học sinh, giáo viên có kế hoạch học tập từ sớm./.
Thực hiện: Anh Vũ - Lê Hải - Ngọc Toàn