Video Tin trong nước

Hành trình gìn giữ di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Để Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám có diện mạo như ngày hôm nay, đó là cả một hành trình miệt mài khôi phục, đầy đam mê và nhiệt huyết của các nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Việt Nam.
14:19 - 05/03/2023

Hành trình gìn giữ di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, với ông Nguyễn Văn Đô, di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu tượng, hồn cốt di sản của Hà Nội. Hôm nay, ông có mặt từ rất sớm tại Khu trưng bày của Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám để ngắm nhìn những bức ảnh quý về Văn Miếu xưa. Với ông, những bức ảnh này là tư liệu đáng giá để thế hệ mai sau hiểu hơn về nguồn gốc và quá trình hồi sinh của di sản này.

Trong giai đoạn 1898 - 1954, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp có mối liên hệ chặt chẽ trong việc bảo vệ, tu bổ thường xuyên khu di tích, phục hồi chức năng thờ tự và luôn duy trì được vai trò quan trọng của địa điểm này đối với cảnh quan Hà Nội. Sự hồi sinh của khu di tích là một câu chuyện thú vị, kể lại hành trình gìn giữ di sản, biểu hiện ý chí của người Việt Nam, cùng các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dành thời gian, trí tuệ để bảo tồn di sản này. 

Kể từ khi thành lập năm 1902 tại Hà Nội, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đặt cho mình nhiệm vụ thăm dò khảo cổ học, thu thập các bản thảo, bảo tồn các di tích, nghiên cứu về các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ và lịch sử của các nền văn minh châu Á từ Ấn Độ đến Nhật Bản. Thời gian này, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã xem Văn Miếu là một di tích quan trọng.

Các nhà nghiên cứu đã luôn tận hiến, đam mê với di sản, bằng nhiều con đường khác nhau đã giúp Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và cả nước, biểu tượng của trí tuệ và nền học vấn lâu đời của người Việt. Di tích vì thế luôn được bảo tồn, gìn giữ qua những thăng trầm của thời gian và biến cố lịch sử./.


Thực hiện: Thu Hương – Trọng Khánh