Hiếu “Mường”
Những ngày ngập nắng ở Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. Trong cái tĩnh lặng của một buổi sáng mùa đông ấm áp, họa sĩ Vũ Đức Hiếu cần mẫn trong xưởng gốm nhỏ của mình. Đây là nơi anh có nhiều thử nghiệm và cho ra đời nhiều tác phẩm gốm… là sự hòa trộn của đất, nước, men, gio… Một cuộc chơi của những chất liệu và kỹ thuật thủ công, của bàn tay và sự đam mê…
Gốm của Vũ Đức Hiếu ấn tượng và lạ. Cái lạ không chỉ ẩn chứa trong những hình khối mà cả màu sắc. Và dù là người không am hiểu về gốm thì vẫn nhận thấy rất rõ cái chất liệu và tinh thần của văn hóa Mường hiển hiện trong các tác phẩm của anh. Lớn lên trên mảnh đất Hòa Bình, Vũ Đức Hiếu phải lòng văn hóa Mường tự lúc nào không hay. Anh yêu tất cả những gì thuộc về xứ Mường. Một tình yêu mãnh liệt và hành động. Bởi vậy, anh còn được gọi với cái tên là Hiếu “Mường”
Nhắc đến văn hóa Mường, không thể quên các lễ hội văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Bên cạnh đó là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, như trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, nghi lễ thờ tổ tiên, mo Mường, chiêng Mường, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian... Sự phong phú của các loại hình di sản phi vật thể của người Mường đã đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ Vũ Đức Hiếu.
Bảo tàng Không gian văn hóa Mường nằm trên con đường Tây Tiến đi Thung Nai thuộc địa phận phường Thái Bình, TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Đây là bảo tàng tư nhân do họa sĩ Vũ Đức Hiếu thành lập từ năm 2007. Một không gian tĩnh lặng và gần gũi.
Qua bàn tay của họa sĩ Vũ Đức Hiếu, bảo tàng đã tái hiện một quần thể xã hội Mường thu nhỏ với 4 khu nhà sàn tương ứng với 4 tầng lớp khác nhau trong xã hội xưa, bao gồm nhà Lang, nhà Ấu, nhà Noóc, nhà Noóc Trọi. Trong đó, nhà lang là thuộc về giai cấp quyền lực nhất, thống trị cả Mường. Nhà Âu là nhà của những người giúp việc cho các quan. Nhà Noóc thuộc về tầng lớp bình dân trong xã hội Mường. Còn nhà Noóc Trọi là của tầng lớp nghèo nhất trong xã hội Mường.
Nằm thoai thoải trên những ngọn đồi và được bố trí một cách hài hòa trong một không gian rộng ngập màu xanh của cây cối, những ngôi nhà sàn cổ của người Mường xưa đã cho du khách hình dung một cách rõ nét về đời sống văn hóa, sinh hoạt… của người Mường cổ. Nơi đây còn có rất nhiều các hiện vật quý như là: cồng, chiêng, lư, công cụ đánh bắt cá, dụng cụ săn bắn, các đồ dùng sinh hoạt gia đình...
Sinh năm 1977, Hiếu “Mường” đã có một cuộc bỏ phố về rừng đầu những năm 2000. Từ một họa sĩ trẻ tài năng ở Hà Nội, anh quyết định về lại xứ Mường, âm thầm thực hiện hoài bão mà anh hằng ấp ủ.
Gần 5 năm trời, anh quần quật lao động để cải tạo mảnh đất cũ. Lên phác thảo cho khu Không gian văn hóa Mường, đào chỗ cao để lấp chỗ thấp, san ủi tạo mặt bằng để sau này dựng các nhà Lang, nhà Tạo, nhà dân thường; quy hoạch khu vực trồng cây thuốc người Mường, khu xây dựng các phòng trưng bày… Song song với việc cải tạo mặt bằng, anh tiếp tục đi sưu tầm các hiện vật của người Mường. Tiền bạc kiếm được anh đều đổ vào khu đất hoang này. Tất cả chỉ để xây dựng một không gian văn hóa Mường ngay giữa thủ phủ xứ Mường, cửa ngõ Tây Bắc. Sau mấy năm trời nhìn lại, chính Vũ Đức Hiếu cũng phải bất ngờ về sự thay đổi của khu trang trại cũ. Không gian văn hóa Mường dần dần được định hình.
Vào thời điểm năm 2007, bảo tàng Không gian văn hóa Mường trở thành một trong những bảo tàng tư nhân ít ỏi trên cả nước mở cửa đón du khách đến tham quan trải nghiệm. Đây cũng là nơi Hiếu “Mường” muốn tạo ra một không gian nghệ thuật dành cho các nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến lưu trú sáng tác, tìm hiểu về văn hóa bản địa, và cùng nhau tìm ra phương hướng bảo tồn văn hóa Mường. Những workshop do anh đứng ra tổ chức luôn thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sỹ. Nhiều tác phẩm đã ra đời ở đây trên nền tinh thần và sức ảnh hưởng của văn hóa Mường.
Hiện, bảo tàng dành hẳn một không gian để trưng bày rất nhiều tác phẩm nghệ thuật mang tên “Muong studio”. Đây là điểm đến thú vị mà du khách không nên bỏ qua khi đến đây.
Trong cuộc gặp gỡ họa sĩ Vũ Đức Hiếu trên đất Mường Hòa Bình, chúng tôi hiểu anh có không ít những khó khăn trong việc vận hành một bảo tàng tư nhân. Nhưng là người không có thói quen than vãn, anh chỉ cười khi chúng tôi cố gắng khai thác thông tin. “Không gian văn hóa Mường” là một giá trị văn hóa, nhưng hơn hết, nó là một tình yêu lớn của một người sinh ra và lớn lên ở thủ phủ xứ Mường, dành cho mảnh đất ấy.
Thực hiện: Lê Liên – Ngọc Toàn