Video Tin trong nước

Hoài Đức, Hà Nội: Đấu giá hạ nhiệt, giá đất vẫn cao

3 lần tổ chức đấu giá đất cách nhau hơn 2 tháng ở cùng một địa điểm, giá trúng lần sau thấp hơn lần trước, số lượng hồ sơ đăng ký cũng giảm dần. Dường như sức nóng đã hạ nhiệt, tuy nhiên, giới đầu cơ vẫn tiếp tục “bơm thổi” giá đất qua tiền chênh lên
08:31 - 13/11/2024

HOÀI ĐỨC, HÀ NỘI: ĐẤU GIÁ HẠ NHIỆT, GIÁ ĐẤT VẪN CAO

8h30 sáng ngày 11/11/2024

Bầu không khí trước cửa nhà văn hóa huyện Hoài Đức khác hẳn so với phiên đấu giá đất diễn ra ngày 19/8 vừa qua.

Phía bên ngoài sân vắng tanh, thành viên ban tổ chức thậm chí còn đông hơn cả người tham gia đấu giá. Chiều cùng ngày, sau gần 10 tiếng đồng hồ, kết quả được công bố với lô trúng đấu giá cao nhất 109,3 triệu đồng một mét vuông, lô thấp nhất có mức giá 79,3 triệu đồng/m2.

Trong phiên đấu giá 7 ngày trước đó, tức là ngày 4/11/2024

Mức giá cao nhất là 103 triệu đồng/m2

Phiên trước nữa diễn ra ngày 19/8, mức giá cao nhất lên đến 133 triệu đồng/m2

Nếu so kết quả 3 lần đấu giá cùng một thửa đất, kết quả 2 lần gần đây nhất thấp hơn gần 30 triệu đồng một mét vuông. Nhưng, cũng những lô đất trúng đấu giá đấy, gần như ngay lập tức được rao bán qua tay vài người, tiền chênh lên đến cả trăm triệu đồng sau mỗi lần “lướt” cọc.

Lô đất ba mặt tiền này vừa trúng đấu giá ngày 4/11 vừa qua, giá 97 triệu đồng/m2, hiện tại đươc rao bán với mức giá chênh cả lô là 600 triệu đồng. Cơn sốt đấu giá chuyển thành những cơn sóng ngầm giữa những nhóm đầu cơ chơi trò bơm thổi với nhau.

Có vẻ như dấu hiệu hạ nhiệt trong các cuộc đấu giá chỉ là vẻ bề ngoài của cơn sốt xảy ra đằng sau cuộc chơi, khi mà giá đất tiếp tục được đẩy lên thông qua khoản tiền chênh lên đến vài trăm cho đến hơn nửa tỷ đồng một lô. Giá trúng thấp hơn, tiền chênh cao hơn dẫn đến giá đất tăng dựng ngược ở một số khu vực vùng ven. Bản chất câu chuyện kiếm lời của những cá nhân tham gia không khó nhận ra, vì họ chỉ cần bán chênh từ 3 đến 500 triệu một lô, các lô khác họ chấp nhận bỏ một đến hai trăm triệu tiền cọc. Hệ lụy của cơn sốt bắt nguồn từ sự “khan hiếm” bị thổi phồng, giá đất tăng cao hơn gấp nhiều lần giá trị thật ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, rất cần phương án hạn chế một cách hiệu quả, tránh để lại hậu quả tiêu cực về sau.

Cơn sốt hạ nhiệt hay chưa phụ thuộc vào nhu cầu của số đông nhà đầu tư, họ bắt tay nhau đánh sóng, tạo nhiệt nhằm mục đích thu lợi cá nhân. Giá đất vì thế ngày càng tăng cao, người dân càng khó tiếp cận các loại hình bất động sản. Lợi nhuận chảy vào túi nhà đầu cơ hoặc nằm bất động ở một xó xỉnh nào đó ngoại ô các thành phố lớn. Thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh, dòng tiền chỉ chảy từ túi người này sang túi người khác. Những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế lớn hơn rất nhiều so với một cơn sốt thông thường mà người ta hình dung ra./.

Thực hiện: Như Nguyên – Trọng Khánh – Ngọc Toàn