Năm 2020, công tác Tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra, truy tố xét xử đã được nâng. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu Quốc hội giao và yêu cầu của công cuộc cải cách Tư pháp thì vẫn còn tình trạng khởi tố, truy tố chưa chuẩn xác, thậm chí oan sai.
Cụ thể, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Còn 18 trường hợp cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, vẫn còn cán bộ điều tra vi phạm quy trình tố tụng, dễ dẫn đến oan sai.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, những con số thống kê về vi phạm trong khâu hoạt động điều tra còn chung chung, chưa cụ thể ở cấp nào.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội chỉ rõ, công tác kiểm sát vẫn còn 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; 03 trường hợp Viện kiểm sát truy tố oan dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt.
Đối với ngành Tòa án vẫn còn nhiều vi phạm dẫn tới Viện kiểm sát nhân dân phải ban hành hơn 600 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; hơn 1.600 kiến nghị trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính. Đáng lưu ý, một số trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử và dư luận xã hội chưa đồng tình.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, qua giám sát một số vụ việc người dân kêu oan, bức xúc được chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền nhưng dường như không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, không được xem xét giải quyết dứt điểm làm suy giảm lòng tin của cử tri và nhân dân.
Mời quý vị xem các tin tức mới nhất tại đây./.