Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống bệnh khảm lá cây sắn, chủ trì cuộc họp.
Trước khi vào dự hội nghị, đoàn Bộ Nông nghiệp cùng đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật các tỉnh có diện tích sắn lớn trên toàn quốc, đến tham quan mô hình trồng sắn giống kháng bệnh khảm lá, ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay toàn quốc có hơn 412.000 ha cây sắn, các giống được trồng phổ biến là KM94, KM140, KM491, HL.S-11, và các giống địa phương từ tháng 5/2017, bệnh khảm lá đầu tiên xuất hiện tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, đến cuối 2018, bệnh lây nhanh sang 13 tỉnh thành. Đến tháng 4/2020, đã có 22 tỉnh thành có bệnh khảm lá sắn trên tổng diện tích bị nhiễm hơn 54.400 ha, trong đó có hơn 5.580 ha bị nhiễm nặng.
Được sự chỉ đạo của Bộ, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã phối với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO). Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh tiến hành 03 thí nghiệm tìm giống mới kháng bệnh.
Kết quả đánh giá khảo nghiệm trên tổng số 157 dòng giống sắn nhập nội và hơn 250 dòng trong nước đã thu được 08 dòng kháng bệnh khá, có năng suất và tinh bột vượt trội so với các giống đối chứng trồng tại Tây Ninh. Đặc biệt có 01 dòng đạt cao ở cả 03 chỉ tiêu: năng suất, tinh bột, kháng bệnh.
Tại cuộc họp, đại diện nhiều tỉnh thành tham dự có ý kiến, chia sẻ về thực trạng bệnh khảm lá, giải pháp phòng trừ, những điều kiện thuận lợi, khó khăn trong công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn ở địa phương. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt đã giải trình, và ghi nhận những ý kiến quanh vấn đề khảm lá sắn, để tiếp tục tìm giải pháp mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết, ngay từ khi dịch khảm lá sắn xuất hiện, Tây Ninh đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình, đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Bộ ngành Trung ương, tuy nhiên, do tính người canh tác sắn ở địa phương, nhiều hộ sản xuất diện tích nhỏ không chấp hành qui định phòng chống dịch; Nhu cầu cao về nguyên liệu nên giá sắn củ tăng cao, nông dân tiếp tục canh tác giống sắn đã nhiễm bệnh… gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Bảo vệ thực vật phải luôn cập nhật tình hình, bám sát thực tế, đưa loại thuốc có tính khống chế được dịch bệnh vào qui trình phòng chống dịch; Tuyệt đối không sử dụng giống củ có nguy cơ cao lây truyền bệnh; Hướng dẫn thủ tục để Viện Di truyền Nông nghiệp tự công bố những giống mới vừa nghiên cứu có tính chống chịu được bệnh dịch; Nhanh chóng nhân giống số lượng lớn giống sắn mới có triển vọng về kháng bệnh hoặc chống chịu được bệnh, nhằm đáp ứng nghu cầu người canh tác trên toàn quốc; Tiếp tục đẩy nhanh nghiên cứu tìm các giống mới khác, có tính kháng bệnh cao hơn, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong thời gian tới.
Hữu Tri - Xuân Dũng