Video Tin trong nước

Kết quả kiểm toán có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương

Theo Chiến lược Phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2030, KTNN sẽ kiểm toán thường xuyên hàng năm đối với ngân sách địa phương. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu này, số địa phương được kiểm toán đã tăng dần qua từng năm.

06:12 - 08/09/2023

Kết quả kiểm toán có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương

Theo số liệu của KTNN, năm 2020, KTNN đã thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 40 tỉnh, thành phố. Năm 2021, con số này tăng lên 52 tỉnh, thành phố. Và năm 2022 là 50 tỉnh, thành phố. Đến thời điểm hiện tại của năm 2023 đã và đang thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 59 tỉnh, thành phố. 

Qua thực tế kiểm toán tại các địa phương cho thấy, nhiều cuộc kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như cuộc kiểm toán ngân sách địa phương của tỉnh Đồng Nai do KTNN khu vực XIII thực hiện trong năm 2023, sơ bộ kết quả dự kiến kiến nghị tăng thu hơn 47,6 tỷ đồng; thu hồi giảm chi ngân sách 682,2 tỷ đồng. Ngoài ra kiến nghị điều chỉnh giảm lỗ 14,3 tỷ đồng và xử lý khác 260 tỷ đồng... 

Có được kết quả này là nhờ luôn có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương với KTNN và các đơn vị kiểm toán. Trong những năm qua, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán, KTNN luôn chú trọng công tác phối hợp với các Bộ ngành, địa phương... Có thể nói sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để KTNN hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hiệu quả vào công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hoàn thiện cơ chế pháp luật… Sự phối hợp đó được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều nội dung và đạt mục tiêu cuối cùng là góp phần giúp cho mỗi bên hoàn thành nhiệm vụ trên tinh thần tuân thủ nguyên tắc hoạt động của KTNN cũng như trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương.

Đến nay, KTNN đã thực hiện ký quy chế phối hợp với hầu hết các địa phương trên cả nước, gần đây đã thực hiện ký lại, ký điều chỉnh với 18 địa phương và đang tiếp tục triển khai để ký quy chế phối hợp với một số địa phương khác. Mới đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, Kiểm toán nhà nước và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP. Đà Nẵng cũng đã ký quy chế phối hợp đồng hành, chia sẻ với các địa phương trong việc xây dựng và thông qua dự toán ngân sách hằng năm sát và đúng; xây dựng kế hoạch kiểm toán với phương châm “ít nhưng chất”, nâng cao chất lượng kiểm toán, hướng tới mục tiêu kiểm toán 100% báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và bộ, ngành, kiểm toán các chuyên đề toàn Ngành phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội.

KTNN cũng đã tổ chức sơ kết định kỳ các quy chế phối hợp giữa KTNN các khu vực với các địa phương nhằm đánh giá kết quả phối hợp trong giai đoạn vừa qua và đề ra những giải pháp trong thời gian tới cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.

Việc triển khai quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với các địa phương đã thể hiện mối quan hệ công tác ngày càng đi vào chiều sâu giữa KTNN với các cơ quan. Mối quan hệ công tác này thể hiện ở việc nâng cao vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan; thể hiện vai trò của KTNN trong công tác quản lý, điều hành ngân sách

Với quyết tâm không ngừng đổi mới, tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán, năm 2024, KTNN dự kiến thực hiện tối đa không quá số nhiệm vụ kiểm toán năm 2023, nhưng trong đó sẽ tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, phấn đấu kiểm toán từ 85-90% báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và các Bộ, cơ quan trung ương.../.


Thực hiện: Vũ Đào