Cách đây 1 năm khi con gái bắt đầu vào học lớp 1, anh Nguyễn Văn Tiến thấy con nhìn mọi vật phải dí sát mắt. Tuy nhiên, thời điểm đó gia đình chưa cho đi khám. Đến nay khi thấy con bắt đầu có biểu hiện căng, mỏi mắt nên gia đình đưa đi khám và được bác sĩ kết luận mắt bé bị cận thị.
Thực tế, đa số cha mẹ thường chỉ đưa con đi khám mắt khi mắt có vấn đề như sưng, đau, đỏ mắt, nhìn mờ… mà quên đi việc khám mắt định kỳ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tầm soát mắt, giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh về mắt.
Theo cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 90% trẻ em Việt Nam có thể bị cận thị vào năm 2050. Điều này hoàn toàn có cơ sở xảy ra bởi ghi nhận tại các bệnh viện mắt vào những ngày đầu hè, tỷ lệ trẻ em đi khám các tật khúc xạ đang gia tăng đáng kể.
Trẻ nhỏ thường không hiểu rõ cận thị là gì hoặc do tâm lý sợ hãi nên không nói với bố mẹ, dẫn đến khi đi khám mắt thì có thể trẻ đã cận thị nặng. Cận thị không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, mà còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho đôi mắt của trẻ.
Theo các chuyên gia, trẻ phải ngồi học đúng tư thế, đủ ánh sáng. Quan trọng nhất là trẻ ở lứa tuổi học đường nên đi khám mắt định kỳ 2 lần/năm để phát hiện sớm các tật khúc xa mắt và được can thiệp sớm.
Bên cạnh đó, để có một đôi mắt khỏe mạnh, trẻ em cần tăng cường các hoạt động thể chất, chơi thể thao, dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi sau giờ học hay sau khi tiếp xúc với các thiết bị điện tử, bổ sung các chất giàu vitamin và khoáng chất.
Thực hiện: Hồng Thúy – Vũ Vy