Video Tin trong nước

Không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để ra đề Ngữ văn: Khó nhưng tốt

Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục không được sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong SGK để làm ngữ liệu kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn.
12:18 - 11/08/2024

Không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để ra đề Ngữ văn: Khó nhưng tốt

Học tủ môn văn, làm đúng như văn mẫu…, cách dạy và học môn văn nhiều năm qua đã làm cho không ít học sinh mất đi thói quen tư duy chủ động, thậm chí triệt tiêu tính sáng tạo, độc lập trong cảm nhận của học sinh. Việc ra đề thi với ngữ liệu trong SGK được coi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng chương trình GDPT 2018 với nhiều bộ sách giáo khoa, cách ra đề kiểm tra, đề thi môn Văn đã có sự thay đổi. Nhiều trường đã không còn dùng ngữ liệu trong SGK để ra đề Văn. Một bài viết trên báo về chiếc khẩu trang thời dịch bệnh Covid-19 hay bài rap nổi tiếng “Đi về nhà” của nghệ sĩ Đen Vâu được mang vào đề thi. Đó chỉ là vài ví dụ đổi mới cách ra đề Văn. Bỡ ngỡ, khó khăn là nhận định chung của nhiều học sinh khi làm bài theo kiểu đề mở này. 

Với việc các trường được tự lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy, việc không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra Ngữ văn được đánh giá là công bằng, khách quan dù rằng có thể khó khăn lúc ban đầu.

Nhiều chuyên gia nhận định, thực hiện quy định này là tương đối khó cho cả giáo viên và học sinh nhưng về lâu dài sẽ hạn chế tình trạng học tủ, học lệch. Bên cạnh đó là rèn luyện khả năng tư duy cho học sinh, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo, tìm tòi cho cả thày và trò.

Rõ ràng, việc không dùng ngữ liệu trong SGK để ra đề Văn dù có thể khó khăn lúc ban đầu nhưng tốt về lâu dài. Đổi mới này hoàn toàn phù hợp với chương trình GDPT 2018 mới và xu thế phát triển của giáo dục Việt Nam trong tương lai./.

Thực hiện: Anh Vũ – Anh Dũng