Kiểm toán các dự án trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh
Theo nội dung được phê duyệt, thời gian thực hiện của Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh là từ năm 2016 đến năm 2020, nhưng một số dự án trồng và phục hồi rừng lại được phê duyệt đầu tư hoàn thành sau năm 2020.
Điển hình như Dự án Trồng mới, phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Dự án Trồng và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Mã… đã được phê duyệt hoàn thành năm 2023.
Thực tế kiểm toán cho thấy, thời vụ trồng rừng của một số lô chưa đúng theo Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng 6 loại cây ngập mặn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi hướng dẫn là trồng cây con giữa mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 nhưng thực tế kiểm toán cho thấy cây được trồng rải rác trong cả năm. Đáng chú ý, tại Dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển tỉnh Cà Mau đã không quy định rõ thời điểm và phương án chăm sóc, bảo vệ rừng làm cơ sở thực hiện, giám sát, nghiệm thu, thanh toán… Hơn nữa, nhiều dự án còn chưa khảo sát, nghiên cứu khả thi kỹ lưỡng dẫn đến thực tế phải điều chỉnh địa điểm trồng 13,6 ha rừng sang vị trí mới. Nguyên nhân do vị trí thiết kế ban đầu có cao trình bãi không đảm bảo trồng rừng, phải chờ thời gian xây dựng kè và bơm bùn tạo bãi, trong khi chi phí bơm bùn cao nên không khả thi.
Qua kiểm toán, KTNN còn chỉ ra điểm bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến thời gian hoàn thành các dự án phát triển rừng. Cụ thể, theo Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng tại Quyết định số 1205/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các dự án trồng rừng cần từ 4 đến 5 năm để triển khai các bước trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong Chương trình này, một số dự án phát triển rừng mới được triển khai năm 2019, 2020 nên không đủ thời gian hoàn thành trong thời hạn từ năm 2016 đến năm 2020.
Từ những phát hiện và kiến nghị kiểm toán cũng cho thấy, KTNN có vai trò quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Nhận thức rõ trọng trách này, KTNN đã xác định đây là một trong những nội dung kiểm toán quan trọng, mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, qua đó góp phần cùng đất nước chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII./.
Thực hiện: Hồng Thoan - Xuân Hồng