Tận dụng dữ liệu lớn, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực công” là xu thế tất yếu của các cơ quan kiểm toán tối cao (gọi tắt là SAI).
Việt Nam đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cùng nhiều chủ trương, chính sách liên quan. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành và cũng đã “đặt hàng” KTNN.
Không để tụt hậu so với thế giới cũng như nằm ngoài guồng quay chuyển đổi số quốc gia, KTNN đã thể hiện sự quyết tâm chuyển đổi số từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn hoạt động.
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 xác định công nghệ là 1 trong 3 trụ cột phát triển của KTNN. Đảng ủy KTNN ban hành Nghị quyết 90 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động của Ngành. KTNN ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Điều quan trọng hơn, từ chủ trương, chính sách, công nghệ đã lan tỏa vào mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động kiểm toán.
Hiện nay, KTNN đã có 30 phần mềm được ứng dụng, cập nhật phục vụ hoạt động điều hành nội bộ và hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kiểm toán.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiểm toán hệ thống CNTT tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); kiểm toán việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại 4 Bộ, 1 Ngân hàng và 2 địa phương.
Mục tiêu hiện đại hóa mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động kiểm toán để góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển và thích ứng linh hoạt hơn với quá trình chuyển đổi số đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa.
Hành trình chuyển đổi số vẫn đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Với vai trò, vị thế của mình, KTNN cần nỗ lực và quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy hành trình đó, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số./.