Nêu ví dụ, lãi suất gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng thấp hơn chỉ số tăng giá, chỉ số lạm phát, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, với thực tế này người dân sẽ dùng số tiền nhàn rỗi để đầu tư vào các hình thức khác chứ không gửi ngân hàng. Do vậy, cần xem chính sách điều hành lãi suất ngân hàng cho linh hoạt, không nhất thiết phải cố kéo lãi suất huy động giảm xuống, tránh trường hợp chuyển tiền Việt sang tiền Đôla để chuyển ra nước ngoài gửi lấy lãi suất.
Liên quan tới vấn đề số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các chính sách mang tính đột phá để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm đó là việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình số 247 đề nghị sửa đổi thời điểm có hiệu lực của 3 luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần tập trung nguồn lực để làm sao cho 3 luật khởi động đồng thời để phát huy hiệu quả tổng thể cao nhất.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, bên cạnh các chính sách kích cầu, thì Chính phủ cũng cần có thêm các chính sách nhằm kích cung. Trước mắt cần hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức giành chỗ tại thị trường trong nước, từ đó vươn ra nước ngoài, để tham gia chuỗi ngành./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng