Thực tế cho thấy việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong những năm qua của tỉnh Kon Tum cũng như lợi ích kinh tế mà rừng mang lại cho người dân đang tạo động lực cho công tác phát triển rừng ở địa phương này.
Đây là 3,5ha đất trống, đồi núi trọc của gia đình ông Lê Thanh Hà, thôn 1, thị trấn Đăk Rờ Ve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Những năm trước đây diện tích đất này gia đình bỏ hoang, từ tháng 7 vừa qua gia đình ông trồng cây bạch đàn cự vỹ trên toàn bộ diện tích đất. Qua 2 tháng xuống giống cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn cả mong đợi.
Năm nay huyện Kon Rẫy được UBND tỉnh Kon Tum giao chỉ tiêu trồng 300ha rừng, song địa phương đã trồng được 500ha, vượt 200ha so với kế hoạch. Theo Hạt kiểm lâm huyện Kon Rẫy, cùng với lợi ích kinh tế từ số lượng gỗ thu được, người dân còn động lực nữa để tích cực trồng rừng, đó là khi đủ điều kiện hàng năm sẽ có một khoản thu bền vững từ chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường.
Để trồng được rừng, chính quyền các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum đã vận động người dân trồng rừng trên diện tích trồng sắn, lúa không hiệu quả và đồi núi trọc; hỗ trợ từ 7 đến 10 triệu đồng cho mỗi ha; mỗi ha người dân được vay 15 triệu đồng không cần thế chấp tài sản; chính quyền các địa phương huy động lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên chức…cùng tham gia giúp dân trồng rừng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ trồng mới được 15.000ha rừng. Năm đầu tiên thực hiện nghị quyết toàn tỉnh đã trồng được trên 3.600ha rừng, vượt hơn 600ha so với kế hoạch đề ra. Đây là bước khởi đầu thuận lợi, là minh chứng rõ nét cho việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng như lợi ích kinh tế mà rừng mang lại cho cuộc sống người dân.
Thực hiện: Khoa Điềm - VOV- Tây Nguyên
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.