Video Tin trong nước

Kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV: Còn nhiều ý kiến khác nhau về biện pháp cưỡng chế

Sáng nay 22/10, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, vấn đề bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước có nhiều ý kiến trái chiều.
16:39 - 22/10/2020

Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có quy định ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước. Có ý kiến đại biểu cho rằng đây là biện pháp cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. 

Theo đại biểu Nguyễn Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, nên cho phép sử dụng biện pháp dừng cung cấp dịch vụ cắt điện cắt nước, tuy nhiên cần căn cứ vào hành vi cụ thể, trường hợp cụ thể, lĩnh vực cụ thể để thi hành.

Tuy nhiên, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng không nên bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Đồng tình với đại biểu Tô Ái Vang, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho rằng, phải bỏ quy định này đi hoặc nếu có để lại thì chỉ áp dụng đối với lĩnh vực xây dựng.

Bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính ngay từ khi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Vũ Khuyên - Chí Phương

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.