Video Muôn màu cuộc sống

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Công trình thiêng liêng, khắc ghi “lòng dân, ý Đảng”

Với 4 phương châm thiết kế: Dân tộc, hiện đại, trang nghiêm, giản dị, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng thiêng liêng, nơi hội tụ tình cảm, lòng kính trọng, biết ơn của nhân dân và bạn bè quốc tế đối với vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
14:47 - 04/09/2024

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Công trình thiêng liêng, khắc ghi “lòng dân, ý Đảng”

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 2/9/1969, thực hiện theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là được lưu giữ mãi mãi hình ảnh của Người, trong phiên họp sáng 29/11/1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định: “Thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người” tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được lan truyền nhanh đến mọi tầng lớp nhân dân qua các phương tiện thông tin. Một đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát động. Từ tháng 5 đến tháng 8/1970, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế của 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân gửi tới. Hội đồng sơ tuyển đã chọn được 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất để triển lãm lấy ý kiến nhân dân từ tháng 9 đến tháng 11/1970 tại 5 địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thái Nguyên, Sơn La.

Từ ý kiến đóng góp của nhân dân, bản “Thiết kế sơ bộ” về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hoàn chỉnh. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, ngày 9/2/1971, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Ngày 2/9/1973, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng. Nhân dân cả nước hướng về công trình như một tiếng gọi thiêng liêng, đóng góp sức người, sức của, những vật liệu quý của địa phương cho công trình.

Ngày 29/8/1975, sau 2 năm xây dựng với sự đồng tâm, đồng lòng của toàn dân tộc, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành tại Quảng trường Ba Đình lịch sử - trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, nơi hội tụ những di tích lịch sử của dân tộc.

Từ đây, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, đặc biệt là ngày Quốc Khánh Việt Nam 2/9 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hàng nghìn người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đều đến Lăng viếng Bác để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Người.

Hơn 4 thập kỷ qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là không gian thiêng liêng, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế./.

Thực hiện: Hồng Thúy - Vũ Vy – Sỹ Thành