Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với 6 điểm mới, nổi bật được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay, gồm: Đổi mới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; Các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu; Đảm bảo quỹ đất thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất; Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thống nhất. Những thay đổi này được nhận định sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về sử dụng đất đai, đặc biệt là tiến dần đến đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận thị trường đất đai.
Trong suốt nhiều năm, giải phóng mặt bằng là vấn đề nổi cộm nhất đối với rất nhiều chủ đầu tư. Hàng trăm dự án chưa đồng thuận đền bù, chậm giải phóng mặt bằng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế…. đều do những vướng mắc trong định giá đền bù. Luật đất đai sửa đổi lần này tạo cơ chế phát triển quỹ đất và tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đất sạch.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, những sửa đổi lần này của Luật Đất đai giải quyết được căn cơ các vấn đề về thủ tục hành chính, đấu thầu,… những điều này sẽ không chỉ góp phần quan trọng giúp thị trường bất động sản hoạt động minh bạch, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Luật Đất đai mới được thông qua sẽ giúp việc tiếp cận đất đai công khai, minh bạch. Cơ hội là công bằng và bình đẳng cho tất cả các đối tượng. Thông qua các hình thức đấu giá, đấu thầu, “phần thắng” sẽ dành cho các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực và lịch sử sử dụng đất hiệu quả. Cơ chế mới sẽ giảm tối đa các quan hệ “xin – cho”. Điều này sẽ góp phần tích cực, tạo ra môi trường cạnh tranh một cách công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản./.
Thực hiện: Vũ Đào – Ngọc Toàn