Tới với Phú Thọ, người ta thường nhớ đến câu chuyện hoàng tử Lang Liêu nhờ sự thông minh, tài trí đã được vua cha truyền lại ngôi báu. Lang Liêu gắn với truyền thuyết bánh chưng, bánh dày dâng lên vua Hùng ngày Giỗ Tổ.
Một tiếng gói 93 chiếc bánh chưng, nghệ nhân Nguyễn Văn Sơn người Phú Thọ này đã xác lập kỷ lục về thời gian gói bánh chưng nhanh nhất. Ông cũng là nghệ nhân gói bánh chưng bằng mà không cần dùng khuôn vuông thành sắc cạnh, khó ai có thể làm nhanh và đẹp như vậy. Nổi tiếng với nghề gói bánh chưng tại Phú Thọ, ông đã tới tham gia Lễ hội chỉ với mong muốn người dân và du khách các tỉnh miền Trung, miền Nam hiểu được nghề truyền thống của cha ông, nghề gói bánh chưng Tết.
Không năm nào chị Tống Mỹ Chân sinh sống ở TPHCM bỏ gói bánh tét cho gia đình và tặng họ hàng trong ngày Tết. Chị đã vô cùng ngạc nhiên và thích thú với cách gói bánh chưng của nghệ nhân đến từ Phú Thọ. Nhất định phải học được cách gói, tuy nhiên làm sao để chiếc bánh chưng gói vuông thành sắc cạnh thì hoàn toàn không đơn giản khi chị tham gia trải nghiệm gói bánh chưng. Với những người xa quê Bắc thì gói bánh chưng nhắc họ nhớ tới phong tục Tết miền Bắc.
Miền Nam có tục gói bánh tét, ngoài Bắc gói bánh chưng, cả 2 loại bánh đều sử dụng nguyên liệu giống nhau là thịt, gạo nếp, đỗ xanh, được gói bằng lá dong, lá chuối làm nên màu xanh vỏ bánh, chỉ duy có gia vị bánh tét có thêm 1 chút vị ngọt, bánh chưng mặn và hình dáng bánh tét dài, bánh chưng vuông. Mang bánh chưng Phú Thọ tới với người dân miền Trung, miền Nam tại Lễ hội Tết Việt, đó là cách người dân Phú Thọ quảng bá văn hóa ẩm thực Tết của quê hương mình.
Thực hiện: Mai Lan, Ngọc Toàn
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.