Video Tin trong nước

Mùa vải ngọt của nông dân Đắk Lắk

Năm nay thời tiết thuận lợi, những vườn vải thiều trồng ở tỉnh Đắk Lắk là Ea Kar, M’Đrắk, Krông Pắk và Krông Năng phát triển tươi tốt, cho năng suất cao. Nhờ chín lệch vụ, nên vải đang được bán giá cao, đem lại niềm vui cho người nông dân nơi đây.
11:33 - 18/05/2023

Mùa vải ngọt của nông dân Đắk Lắk

     Ea Kar hiện là huyện có diện tích trồng vải thiều lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với trên 900 ha. Trước đây, bà con trồng các loại cây có múi như cam, quýt; cây công nghiệp điều, hồ tiêu; hay cây ngắn ngày đậu, ngô, sắn… nhưng cho hiệu quả kinh tế thấp. Thấy cây vải thiều dễ trồng, hợp với thổ nhưỡng đất sỏi pha cát, cho lợi nhuận kinh tế cao, nhiều nông hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang đầu tư cho cây vải. Vải trồng ở đây luôn cho từ 10-12 tấn quả/ha, riêng niên vụ 2022 – 2023 này có thể lên đến trên 15 tấn. Với giá bán vải loại I tại vườn hiện ở mức 32.000 – 35.000 đồng/kg, và loại II là 25.000 đồng/kg, vụ này người nông dân có thể thu được 450 triệu đồng/ha, trừ các khoản chi phí đầu tư lãi khoảng 300 triệu đồng.

     Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 2.600 ha vải, trong đó hơn 1.400 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, được trồng chủ yếu ở các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Pắk và Krông Năng. Sản lượng niên vụ 2022 – 2023 này ước đạt 14.000 tấn quả. Theo đánh giá của Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cây vải giống Lục Ngạn – Bắc Giang trồng tương đối phù hợp với chất đất sỏi pha cát ở các huyện phía Nam và Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk. Mỗi ha vải ở đây cho thu trên 10 tấn quả, với chất lượng thơm, ngọt, nhiều nước và dày cùi. Chi cục đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và nông dân triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển cây vải ở Đắk Lắk.  

     Hơn 10 năm qua, nhờ cây vải thiều, nhiều nông hộ ở Đắk Lắk đã trở thành tỷ phú. Cùng với cây mía, cây vải thiều ở Đắk Lắk đã và đang khẳng định vị thế là cây chủ lực trên vùng đất sỏi pha cát của địa phương này./.

Thực hiện: Tuấn Long / VOV Tây Nguyên