Video Tin trong nước

Nâng cao trách nhiệm của địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay được giao cho các địa phương tổ chức trong tất cả các khâu. Yêu cầu đặt ra là phải nâng cao trách nhiệm của các địa phương.
20:17 - 31/05/2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Quy chế Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 để lấy ý kiến góp ý của xã hội. Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay được giao cho các địa phương tổ chức trong tất cả các khâu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm khâu ra đề thi và duy trì các giải pháp giám sát chất lượng của kỳ thi này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp kỹ thuật cũng chỉ hạn chế phần nào sai phạm, mà điều quan trọng vẫn là yếu tố con người. Vì vậy, chính quyền, ngành Giáo dục – Đào tạo các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong mỗi khâu của quá trình tổ chức kỳ thi để đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, khách quan, kết quả thi đánh giá đúng năng lực học sinh.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Với các địa phương, dù đã thấm nhuần tinh thần đó nhưng để tổ chức một kỳ thi công bằng, nghiêm túc, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh cũng không phải là đơn giản. Theo các chuyên gia, địa phương cần nhiều yếu tố để có thể tổ chức được một kỳ thi nghiêm túc, gồm cả đường hướng chỉ đạo của ngành chức năng và quyết tâm của cả hệ thống ở địa phương trong tất cả các khâu tổ chức thi.

Những sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở 3 địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và đang được ngành chức năng đưa ra xét xử một cách nghiêm túc là bài học đắt giá cho các địa phương trong tổ chức thi.

Bên cạnh đó, một điểm mới trong dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là các tỉnh sẽ phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống điện tử để Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy đó là căn cứ đối sánh với kết quả thi. Đây được sẽ là căn cứ quan trọng và có giá trị thực tế để phát hiện ra những điểm bất thường.

Từ thực tế học và thi cử những năm gần đây, một số chuyên gia cũng cho rằng, ngoài các giải pháp kỹ thuật để giám sát kỳ thi, thì giải pháp bền vững là phải tạo ra động cơ học tập trong người học và sự tôn trọng tất cả nghề nghiệp hiện có trong xã hội. Chỉ khi nào người lớn không đánh giá tương lai của học sinh bằng điểm số của một kỳ thi, nhà tuyển dụng không chỉ đánh giá dựa trên bằng cấp thì cuộc chạy đua tìm cơ hội gian dối trong học tập, thi cử mới có khả năng chấm dứt.

Thực hiện: Huy Vinh - Lê Hải

Mời quý vị xem các Tin tức đã phát sóng tại đây./.