Video Tin trong nước

“Nâng tầm” ngành gỗ Việt Nam bằng công nghệ

Không nằm ngoài “dòng chảy công nghệ”, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong ngành gỗ từng ngày tìm tòi và cải thiện công nghệ sản xuất với mong muốn nâng cao năng suất lao động, tạo ra chất lượng sản phẩm cao từ đó tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
19:11 - 23/06/2024

“NÂNG TẦM” NGÀNH GỖ VIỆT NAM BẰNG CÔNG NGHỆ

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành gỗ nói chung và sản xuất chế biến gỗ nói riêng, hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, khi số lượng đơn hàng cắt giảm, thời gian giao hàng bị rút ngắn. Đồng thời các yêu cầu mới về đơn hàng đòi hỏi doanh nghiệp cần phải đầu tư công nghệ, máy móc có tính đa năng hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Do vậy, đầu tư công nghệ hiện đại, hướng tới chế biến sâu các sản phẩm là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chế biến gỗ.

Ngày nay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang có những ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất. Việc đưa công nghệ điều khiển và tự động hóa vào quá trình sản xuất, kinh doanh là điều kiện tất yếu trong bối cảnh hiện nay

Không chỉ thay đổi công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất, một vấn đề cốt lõi khác đó là các doanh nghiệp phải nhanh nhạy hơn nữa trong việc phát triển sản phẩm, để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng như sản phẩm lắp ráp, tháo rời, sản phẩm từ gỗ thân thiện với môi trường... 

Có thể thấy đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm là hướng đi bắt buộc để nâng tầm ngành công nghiệp chế biến gỗ đưa ngành công nghiệp này trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, đồng thời hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ USD vào năm 2025./.

Thực hiện: Vân Anh – Trọng Khánh