Cách đây 3 năm, dư luận từng đau xót trước vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại hầm Kim Liên, Hà Nội. Nạn nhân là 2 người phụ nữ tuổi đời còn khá trẻ. Người gây ra vụ tai nạn có nồng độ cồn trong máu ở mức cao. Gần đây nhất, cả xã hội đau xót khi chứng khiến sự ra đi của cả 3 người trong một gia đình ở Bắc Giang nguyên nhân cũng do người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia gây ra. Còn rất nhiều tai nạn thương tâm khác đều đến từ những “ma men” điều khiển tay lái, gây bức xúc trong xã hội.
Mặc dù, các quy định về kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông ngày càng được siết chặt, tăng nặng, nhưng tình hình vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Điều này cũng cho thấy việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng còn nhiều hạn chế.
Một số ý kiến cho rằng, để giảm các vụ việc tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra, cùng với triển khai thực thi pháp luật thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu đến phương án đưa ra những hình thức xử phạt nặng hơn, có thể tước bằng lái xe vĩnh viễn, cấm lái, thậm chí là phạt tù đối với những trường hợp tái phạm liên tục.
Để ngăn chặn và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do rượu, bia gây ra trong lĩnh vực giao thông, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp, chế tài mạnh, nghiêm khắc hơn nữa, có tính răn đe cao trong việc xử lý đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Và hơn lúc nào hết, ý thức người tham gia giao thông cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, trút bớt gánh nặng cho xã hội và nỗi đau cho những người ở lại.
Thu Hương – Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.