Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự trăn trở với việc ngành đường sắt Việt Nam đã ra đời cách đây 140 năm nhưng chưa phát triển xứng tầm mong muốn của nhân dân cũng như lịch sử của ngành. Do đó Thủ tướng yêu cầu ngành đường sắt Việt Nam cần sớm tìm ra điểm đột phá để phát triển, góp phần hoàn thiện phương thức giao thông tốt hơn, thực hiện mục tiêu đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Theo Thủ tướng muốn làm được như vậy, Ngành đường sắt Việt Nam phải đặt trong sự vận động phát triển “đi sau nhưng về trước” tận dụng lợi thế của người đi sau nhanh và bền vững hơn; chú trọng phát huy lợi thế, tiềm năng của ngành, nhất là phát triển các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hạn chế ô nhiễm ngay từ trong nhà ga, trên tàu…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, giảm tối đa thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cấp; hạn chế cơ chế “xin-cho” vì dễ phát sinh tiêu cực, dẫn tới phải xử lý kỷ luật. Thủ tướng nhấn mạnh, càng khó khăn thì càng phải nỗ lực vượt khó.
Về những vấn đề cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, Tổng công ty ĐSVN phải tiếp tục thực hiện hiệu quả sứ mệnh, vai trò nòng cốt trong quản lý, sử dụng khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại; khẩn trương triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần làm mới lại các động lực cũ, bổ sung các động lực mới, bằng các ngành mới nổi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khôi phục lại các nhà ga… Xây dựng các chương trình, kế hoạch mang lại hiệu quả thiết thực hơn./.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương