Trong điều kiện thiếu hụt nguồn lao động khi nhiều công nhân là F0, nhiều đơn vị ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất; cải thiện điều kiện làm việc, đi lại, ăn ở cho công nhân. Bên cạnh đó, các đơn vị của ngành than cũng triển khai nhiều biện pháp linh hoạt để thích ứng an toàn, đảm bảo ổn định sản xuất, hoàn thành mục tiêu, tiêu thụ 43 triệu tấn than trong năm.
Chiếc máy xúc mini đưa vào lò nhỏ này là sáng kiến kỹ thuật của những người thợ mỏ của Công ty Than Nam Mẫu. Việc đưa máy vào đường lò nhỏ, tiết diện hẹp như thế này tưởng chừng là viển vông, nhưng ý tưởng đó đã trở thành hiện thực ở Nam Mẫu. Thay vì 12 người xúc than lên máng, giờ đây chỉ cần 2 lái máy đã có thể vượt năng suất trong ca làm việc.
Việc đưa công nghệ xuống hầm sâu, lò hẹp đã giúp đơn vị này tăng sản lượng với mức khai thác 7.500 tấn trong tháng 2 (trung bình phải khai thác 7.200 tấn/tháng).
Không chỉ có Nam Mẫu, những đơn vị khác của ngành than đang phải chịu áp lực lớn do thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt trong thời điểm công nhân phải nghỉ làm nhiều do nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ứng dụng cơ giới hóa, các đơn vị ngành than cũng tập trung cải thiện điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại cho công nhân mỏ.
Trước nhu cầu than tăng cao cả cho nhiệt điện và các khách hàng khác, các đơn vị ngành than đang tập trung đẩy mạnh sản xuất tối đa để đạt sản lượng cao nhất; nắm bắt xu thế phòng chống dịch của thế giới và của Việt Nam để có biện pháp phòng chống dịch và sản xuất hiệu quả; xác định tiếp tục thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời huy động tối đa các nguồn lực cho sản xuất, không để đứt gẫy sản xuất ở bất cứ đơn vị nào.
Tiến Cường – Nguyễn Dương/VOV Đông Bắc
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.