Dù đã gần 50 tuổi, nhưng nghệ nhân Hồ Văn Việt vẫn được coi là người trẻ nhất biết sử dụng và là người duy nhất chế tác đàn ta lư ở xã Tà Rụt, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị. Đàn ta lư được làm bằng gỗ mít với nhiều kích thước khác nhau và được nghệ nhân chế tác hoàn toàn thủ công với những dụng cụ thô sơ.
Trước kia, nghệ nhân Hồ Văn Việt học chế tác từ cha mình, sau đó, anh tìm các nghệ nhân lớn tuổi ở nhiều bản làng để học hỏi thêm. Đối với anh, giữ tiếng đàn ta lư, cũng chính là giữ linh hồn của người Pa Kô.
Ở Tà Rụt giờ còn vài nghệ nhân đàn ta lư, trong đó có một người tuổi đã cao. Nếu không có lớp kế cận, âm thanh của chiếc đàn này sẽ có nguy cơ thất truyền. Hiểu được điều đó, nghệ nhân Hồ Văn Việt luôn trăn trở những cách truyền tình yêu âm thanh réo rắt của tiếng đàn này cho thế hệ trẻ. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều bạn trẻ nhận thấy cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc mình. Từ việc hào hứng luyện tập đến yêu thích cho thấy những tín hiệu tốt trong việc bảo tồn phát huy những giá trị của đàn ta lư.
Đối với nghệ nhân Hồ Văn Việt, đàn ta lư đã trở thành một phần cuộc sống, là sự gắn kết tình cha con, là cầu nối đưa anh đến với vợ và là tiếng nói, hơi thở của dân tộc anh đang nỗ lực gìn giữ. Khi tiếng đàn ta lư cất lên, là khoảnh khắc đưa người ta qua núi, qua rừng về với quê hương của người Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn bao la.
Huyền Trang - Hoàng Thuyên
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.