Video Tin trong nước

Nhiều ngành hàng chủ lực điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, tìm hướng xuất khẩu bền vững

Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực không thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. Dù đã có nhiều nỗ lực, song vẫn có 5 trong tổng số 7 ngành hàng xuất khẩu ở tóp trên 10 tỷ USD tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
14:44 - 03/01/2024

Trước sự sụt giảm mạnh kéo dài, năm nay, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã buộc phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và chủ động tìm kiếm những hướng đi mới bền vững hơn trước những yêu cầu mới từ thị trường thế giới

Không thể cán đích mục tiêu xuất khẩu cả năm 2023 ở mức 47- 48 tỷ USD, ngành dệt may chấp nhận hạ mục tiêu tăng trưởng còn khoảng hơn 40 tỷ USD và tìm kiếm các giải pháp phát triển mới đồng thời đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động ở mức cơ bản nhất để giữ chân người lao động. Trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp cố gắng xoay xở bằng cách chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, đẩy mạnh khai thác thị trường mới, cũng như đổi mới hình thức xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để tối ưu hóa chi phí và tăng hiệu suất. 

Theo các chuyên gia, bất ổn chính trị, kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ là bức tranh chung mà các ngành hàng xuất khẩu phải đối mặt trong năm 2024, không riêng ngành dệt may. Điều này sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tiếp tục suy giảm mạnh. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải thận trọng khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, gắn với đổi mới phương thức quản trị, nâng cao năng suất, trình độ lao động, đặc biệt là mạnh dạn chuyển đổi dần theo hướng sản xuất đáp ứng xu thế tiêu dùng chung của thế giới hiện nay.

Cũng theo các chuyên gia, sau nhiều năm tăng trưởng “nóng”, đây là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp tái cơ cấu, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cung, uy tín và thương hiệu, để có thể tự tin bứt phá khi thị trường “ấm” trở lại./.

Thực hiện: Vũ Đào – Trọng Khánh – Ngọc Toàn