Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất lắp camera giám sát trên xe ô tô cá nhân
Để tiện cho việc đi lại, chị Nguyễn Hoài Linh ở phố Giảng Võ, Hà Nội đã sắm một chiếc ô tô. Chị Linh cho biết, sắp tới đây chị sẽ lắp camera trên xe để đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường, nhất là khi xảy ra các trường hợp va chạm giao thông...
Bên cạnh những ý kiến đồng tình vẫn còn ý kiến lo ngại về tính bảo mật của thông tin cá nhân cũng như quyền riêng tư khi thiết bị giám sát được lắp trên xe cá nhân.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 47/2022, xe ô tô kinh doanh vận tải lần đầu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Dữ liệu được truyền về cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đối với đề xuất ô tô cá nhân cũng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, với gần 4 triệu xe đang lưu thông trên cả nước, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, điều này có tác động lớn đến người dân. Do vậy, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập…
Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ trong giám sát trật tự giao thông sẽ tạo sự minh bạch, khách quan, toàn diện. Song song với việc ban hành luật, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình phù hợp với loại xe ô tô cá nhân. Thực tế hiện nay dù chưa có quy định, nhưng nhiều chủ xe, lái xe đã chủ động lắp đặt thiết bị camera ghi hình bên ngoài xe.
Bên cạnh đó, chi phí lắp đặt thiết bị có thể sẽ khó khăn khi triển khai. Do đó, các chuyên gia cho rằng, nên khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình thay vì đưa ra yêu cầu bắt buộc. Hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cần có thí điểm, đưa ra lộ trình phù hợp, bởi còn liên quan đến chi phí bỏ ra để mua sắm thiết bị.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng