Những “lỗ hổng” trong quy định PCCC ở chung cư mini
Cuối tháng 10/ 2022, vụ cháy chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) suýt chút nữa đã cướp đi sinh mạng của 11 người.
Tháng 5/2023, một vụ cháy cũng xảy ra tại tầng 3 của một chung cư mini trong ngách 20, ngõ 426 Đường Láng (quận Đống Đa) khiến nhiều cư dân vội vã tháo chạy. Nguyên nhân ban đầu là do chập điện bình nóng lạnh.
Và mới nhất là thảm hoạ quá đau lòng tại chung cư mini trong hẻm 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), đám cháy trong đêm đã khiến hơn 90 người thương vong.
Nhưng căn hộ không lối thoát hiểm, không PCCC lại ẩn mình trong những con ngõ sâu hun hút... nếu xảy ra hoả hoạn, công tác cựu hộ cứu nạn sẽ gặp vô vàn khó khăn.
Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập là thế, nhưng công tác quản lý, giám sát điều kiện an toàn PCCC và cấp phép xây dựng của dạng công trình nhà ở này, đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay chung cư mini không nằm trong danh mục cấp phép hay quy chuẩn, quy phạm thông thường, chủ đầu tư sẽ lách luật bằng cách xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, sau đó thay đổi mục đích sử dụng.
Không chỉ cơi nới trái phép, xây vượt tầng cho thuê mà quy định về PCCC với loại hình bất động sản này vẫn còn những kẽ hở. Theo Phụ lục V, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; mới buộc có giấy phép về phòng cháy, chữa cháy. Thực tế vẫn tồn tại những chung cư chưa cao đến 7 tầng và tổng khối tích chưa đến 5.000m3 vẫn đang hoạt động và nằm ngoài các quy định.
Theo các quy định hiện hành về các loại hình nhà ở, thì không có khái niệm về ''chung cư mini'', mà trên thực chất đây là nhà ở riêng lẻ, bị sử dụng sai mục đích, trong khi đó yêu cầu về PCCC với loại hình nhà ở vẫn chưa thực sự rõ ràng. Hơn lúc nào hết, cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết triệt để những tồn tại trên để mang lại sự bình an cho người dân./.
Thực hiện: Hải Linh – Đức Thành