Video Tin trong nước

Những người nặng lòng với nghề truyền thống

Gìn giữ nghề truyền thống, gìn giữ bản sắc của nghề không chỉ là câu chuyện của riêng làng nghề, của những “thế hệ cha ông” mà còn chính là khát khao của những người trẻ nặng lòng với những giá trị truyền thống của sản phẩm nghề thủ công.
15:47 - 08/08/2024

NHỮNG NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI NGHỀ TRUYỀN THỐNG 

Làm thế nào để gìn giữ và phát triển những nghề truyền thống có tuổi đời cả trăm năm tuổi trong xã hội hiện đại ngày nay?Đây là tâm tư chung của rất nhiều người trẻ nặng lòng với nghề truyền thống.

Những năm gần đây, khi xu hướng tiêu dùng có nhiều thay đổi, sản phẩm thủ công truyền thống được ưa chuộng nhiều hơn, nhiều người trẻ mạnh dạn thay đổi, cải tiến mẫu mã cũng như chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Cũng là bánh cốm, là trà sen, hay những sản phẩm thêu tay, nhưng nay đã khoác lên mình một “diện mạo mới”.

Kinh tế thị trường phát triển buộc người thợ phải đổi mới, sáng tạo trên chất liệu truyền thống nhưng không làm mất đi bản sắc. Khác với những thế hệ đi trước, bên cạnh việc khôi phục nghề truyền thống, họ còn trăn trở tìm hướng đi mới để mở rộng thị trường cho những sản phẩm này. Khai thác, sử dụng nguồn lực của nghề trong phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế cá nhân là hướng đi đang được nhiều làng nghề thủ công hướng đến.

Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi sự cộng hưởng từ cả cộng đồng, để tạo ra thị trường bền vững cho sản phẩm nghề truyền thống, đồng thời lan tỏa giá trị làng nghề trong nhịp sống hiện đại. Đây cũng chính là áp lực lớn mà những người trẻ nặng lòng với nghề truyền thống đang phải tiếp tục đối mặt./.

Thực hiện: Vũ Đào – Ngọc Toàn – Trọng Khánh