Theo thống kê của ngành Du lịch, hiện toàn tỉnh Ninh Bình có hơn 1.800 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 81 di tích cấp quốc gia (3 di tích cấp quốc gia đặc biệt), 301 di tích cấp tỉnh; đặc biệt Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 2014 đã có những tác động trực tiếp đến phát triển du lịch của tỉnh. Những tài nguyên này là tiền đề để ngành du lịch từng bước đầu tư khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch nghiên cứu, xây dựng và đưa vào khai thác một số tuyến, điểm và sản phẩm du lịch mới như mở thêm tuyến 2, tuyến 3 Khu du lịch sinh thái Tràng An, điểm du lịch Tuyệt Tịnh Cốc; xây dựng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn; du lịch làng nghề truyền thống; ngoài ra Sở Du lịch đang khảo sát xây dựng và phát triển mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn tại làng hoa Ninh Phúc, cánh đồng dứa Đồng Giao, nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc...
Để kích cầu khách du lịch trong mùa thấp điểm, góp phần quảng bá những giá trị nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An, từ năm 2018 đến nay, hàng năm tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" thu hút hàng trăm nghìn du khách về thăm, tạo nên một sản phẩm mới, độc đáo cho du lịch Ninh Bình. Ngoài ra, hiện Ninh Bình đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm để gắn kết du khách với người dân địa phương và tạo ra những sản phẩm du lịch mới với mục tiêu đến năm 2025 du lịch Ninh Bình cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.
Thực hiện: Thế Hùng – Chí Phương