Cũng như tiếng nói, chữ viết là một phần đặc biệt quan trọng làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.
Người Dao có hệ thống tiếng nói và chữ viết riêng. Chữ Dao hay còn được gọi là chữ Nôm Dao là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Phiên âm này được đọc theo một cách hoàn toàn khác tiếng Dao sử dụng trong cuộc sống thường ngày, nên các nhà nghiên cứu gọi đó là tiếng Dao văn chương. Mọi nghi lễ lớn nhỏ trong đời sống tâm linh của người Dao đều phải sử dụng đến chữ Nôm Dao. Do đó, thuở xưa hầu như người đàn ông Dao nào cũng đều có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình.
Cũng như nhiều dân tộc khác, lớp trẻ người Dao hiện nay dần quên đi chữ viết truyền thống của dân tộc mình. Ở xóm Sưng, ngày càng có ít người có thể sử dụng tiếng Dao văn chương.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống học chữ Nôm Dao, ngay từ nhỏ, nghệ nhân ưu tú Lý Văn Hềnh đã được bố truyền dạy chữ viết, văn hoá, tập tục truyền thống của dân tộc Dao. Đứng trước thực tế ngày càng có ít người có thể viết chữ của dân tộc, ông Hềnh đã tìm mọi cách để gìn giữ chữ Nôm Dao cũng như nhiều nét văn hóa độc đáo khác của dân tộc mình bằng nhiều hình thức.
Từ những nỗ lực của nghệ nhân Lý Văn Hềnh nói riêng và của những người già trong bản nói chung, một lớp học dạy chữ Dao miễn phí được mở ra vào các ngày rằm và mồng 1 hàng tháng dành cho những người trẻ. Thầy giáo đứng lớp là những người già trong bản tha thiết với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Còn học sinh là lớp con cháu. Để có thể thu hút được những người trẻ đến lớp đều đặn là điều không dễ dàng, nhưng lớp học chưa từng một lần đóng cửa cho dù chỉ có 1 học sinh.
Từ xóm Sưng, ngày càng có nhiều lớp học như thế này được mở ra trong cộng đồng của người Dao ở khắp mọi nơi, mang theo niềm tin, niềm hi vọng của lớp người đi trước về sự trường tồn của chữ viết dân tộc mình.
Nguyên Hạnh – Lê Liên – Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.