Năm 2019 ngành du lịch đã đóng góp 9,2% GDP cả nước; năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đứng thứ 63 trong tổng số 140 nền kinh tế tham gia xếp hạng. Giai đoạn 2015- 2019, ngành du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22,7%/năm và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho hơn 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động, còn doanh nghiệp du lịch nội địa chỉ dám hoạt động cầm chừng cho đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Điều mà các doanh nghiệp còn hoạt động cần lúc này đó là các đòn bẩy tài chính từ phía Nhà nước, Ngân hàng.
Khi du lịch bắt đầu hồi phục thì câu chuyện nguồn nhân lực làm du lịch lại là vấn đề đáng quan tâm. Ai sẽ là người làm du lịch khi mà có đến 60-70% lực lượng lao động đã bị mất việc làm hoặc chuyển nghề khác do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngoài ra, sẽ cần rất nhiều chi phí đào tạo cho lực lượng lao động mới và khó có thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn, do vậy, cần có những giải pháp hỗ trợ để những lao động cũ quay trở lại.
Sau 4 đợt dịch, phục hồi du lịch khó khăn hơn, hoạt động kích cầu cũng rất khó tiếp cận khách du lịch. Lượng khách đi du lịch còn thấp do tâm lý còn ngại dịch bệnh. Do đó, muốn phục hồi hoạt động, du lịch phải tạo được cảm giác an toàn cho khách, cho chính người làm du lịch và cho cộng đồng.
Để giúp cho ngành du lịch sớm phục hồi, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho người lao động, giảm giá tiền điện, nước đối với cơ sở lưu trú, hỗ trợ giảm, rút tiền ký quỹ đối với các đơn vị lữ hành…
Năm 2022, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, qua đó giúp du lịch Việt Nam sớm hồi phục và phát triển.
Ngoài ra, để nắm bắt các cơ hội phục hồi, ngành du lịch trong thời gian tới thì ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp khác để cùng chung tay giải quyết, vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” với các giải pháp và lộ trình cụ thể.
Tiến Dũng - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.