Video Tin trong nước

Phân cấp cho chính quyền cơ sở: Cần thiết, nhưng phải xem xét kỹ

Tại các phiên thảo luận ở tổ cũng như ở hội trường, các ý kiến cho rằng, dự thảo trình Quốc hội lần này là một cơ chế mạnh mẽ chưa từng có. Tuy nhiên, đối với vấn đề phân cấp cho cấp huyện, xã thì cần xem xét, tính toán kỹ phạm vi phân cấp tới đâu.
17:18 - 17/01/2024

Phân cấp cho chính quyền cơ sở: Cần thiết, nhưng phải xem xét kỹ

Tại phiên thảo luận tại hội trường chiều qua, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm là do thủ tục rườm rà. Do vậy, việc phân cấp cho cấp huyện là điều cần thiết để các địa phương có thể chủ động thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Bên cạnh việc mạnh dạn phân cấp cho chính quyền cơ sở, một số đại biểu đề nghị cần xem xét tỷ lệ 1:1 vốn đối ứng của địa phương và người dân khi thực hiện các dự án thành phần.

Trong khi đó, tại phiên thảo luận ở tổ sáng qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, 8 cơ chế mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo đều tuân theo quy tắc chung là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở và đòi hỏi tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó, có trách nhiệm giám sát của đại biểu Quốc hội.

Đối với những băn khoăn của đại biểu về việc phân cấp cho huyện, xã, Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất ở đây là nếu phân cấp xuống tận huyện, xã thì liệu các cấp này có kham nổi hay không?

Liên quan ý kiến của đại biểu đề nghị phân cấp mạnh, giao luôn cho HĐND cấp huyện, Phó Thủ tướng nhắc lại việc không phải nội dung nào cũng dám giao. Theo Phó Thủ tướng, việc giao cho HĐND cấp tỉnh là vì cấp tỉnh có cách nhìn bao quát, sẽ cân đối đầy đặn, hài hòa hơn giữa các địa phương./.

Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng