PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỤM DI TÍCH CHÙA TRẦM, CHÙA TRĂM GIAN VỚI CÔNG NGHIỆP VĂN HOÁ THỦ ĐÔ
Cụm di tích Chùa Trầm, chùa Trăm Gian không chỉ là địa điểm tâm linh mà còn là di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi Bác Hồ từng về thăm và làm việc; đặc biệt trong những ngày tháng ác liệt nhất của chiến tranh, nơi đây Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch đã vang lên khắp bốn phương trong đêm 19, rạng sáng ngày 20/12/1946. Đến đầu năm 1947, chùa Trầm và Đài Tiếng nói Việt Nam lại có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến thăm và đọc thơ chúc Tết toàn thể quốc dân đồng bào trên làn sóng phát thanh của Đài giữa khung cảnh tĩnh mịch, không gian linh thiêng của chùa Trầm.
Để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của cụm di tích này, nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhằm tìm ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian. Theo đó, cụm di tích Quốc gia chùa Trầm và chùa Trăm Gian là những di tích có lịch sử lâu đời, được dân gian ca tụng là hai trong “Tứ đại danh thắng của xứ Đoài”. Các ngôi chùa trong khu vực được khởi dựng từ sớm và hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tạo nên một sức hấp dẫn và giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc.
Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, Cụm di tích hiện tại đã xuống cấp khá trầm trọng. Để gìn giữ và phát huy tiềm năng cũng như giá trị lịch sử, TP. Hà Nội đã phê duyệt dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm-chùa Trăm Gian với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2024, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Hà Nội là địa phương có số lượng di tích nhiều, đa dạng về chủng loại, là địa phương hội tụ nhiều di tích nhất cả nước. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích Quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian là việc làm cần thiết, nhằm khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, để nơi đây trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.
Thực hiện: Thế Hùng – Anh Dũng – Sỹ Thành