Video Tin trong nước

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu, là đột phá chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm

Sáng 14/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
08:26 - 15/12/2024

PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN LÀ NHU CẦU, ĐÒI HỎI TẤT YẾU, LÀ ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC VÀ LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Phát biểu tại phiên họp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng chỉ đạo, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, quốc gia mong đợi nên chỉ bàn làm, không bàn lùi, phải có lộ trình, định hướng cụ thể. Trong quá trình làm thì phải đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nêu cao năng lực của cấp dưới. Cùng với đó tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới, gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; Đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác trong nước, quốc tế; khơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục hành chính đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sớm hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, đặc biệt là các nhóm nhiệm vụ cụ thể: phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử.

Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng “Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam"; Nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế về bán dẫn đối với một số quốc gia, nền kinh tế hàng đầu về bán dẫn; tăng cường hợp tác song phương, đa phương về bán dẫn; Tiếp tục tranh thủ mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy hợp tác quốc tế về công nghiệp bán dẫn, điện tử, xác định lĩnh vực ưu tiên hợp tác với từng đối tác và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các cơ sở đào tạo giáo dục, trường đại học ở nước ngoài, và có kế hoạch tiếp cận, phát huy, kết nối hợp tác hiệu quả với Việt Nam.

Các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp để đầu tư, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt về cung cấp nguồn điện ổn định, đủ công suất và nước sạch, hệ thống xử lý nước thải nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp lân cận để tạo cụm liên kết ngành cho chuỗi công nghiệp bán dẫn. Khai thác tiềm năng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và phải tranh thủ thời cơ, nắm bắt cơ hội để phát triển nhanh, bền vững./.

Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương